Theo Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh, trong vụ cá Bắc này, các địa phương đặt mục tiêu khai thác khoảng 17.500 tấn thủy sản, ước trị giá 900 tỷ đồng. Trong đó: sản lượng khai thác biển là 15.500 tấn (gồm 10.000 tấn cá, 500 tấn tôm và 5.000 tấn thuỷ sản khác); sản lượng khai thác nội địa là 2.000 tấn (gồm 1.000 tấn cá, 200 tấn tôm và 800 tấn thuỷ sản khác).
Vụ cá Bắc diễn ra từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024. Theo kinh nghiệm của ngư dân, nguồn lợi xuất hiện ở vụ này chủ yếu là các loài như: cá cơm, nhuyễn thể, cá nục, cá đù, cá đục, tôm, ruốc... Các loài cá nổi xuất hiện mật độ cao, tạo động lực cho ngư dân vươn khơi.
Từ đầu tháng 10 đến nay, thời tiết chưa thuận lợi nên bà con ngư dân chưa tập trung vươn khơi nhiều. Ngành chuyên môn, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất, đầu tư công nghệ, trang thiết bị đánh bắt các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế gắn với khai thác có trách nhiệm; tăng cường cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thuỷ sản và thị trường tiêu thụ cho ngư dân lập kế hoạch tổ chức sản xuất có hiệu quả.
Cùng đó là chú trọng tuyên truyền thành lập tổ đội khai thác thuỷ sản để hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi có tai nạn rủi ro xẩy ra trên biển nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm soát và tiến hành xử phạt các hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Được biết, Hà Tĩnh hiện có 2.743 tàu cá đã đăng ký. Trong đó, đội tàu hoạt động tại vùng lộng (có chiều dài từ 12m đến dưới 15m) là 412 chiếc và đội tàu hoạt động tại vùng khơi (có chiều dài từ 15m trở lên) là 93 chiếc. Đội tàu hoạt động tại vùng khơi chủ yếu làm các nghề câu, vó, mành, vây, lồng bẫy, chụp mực và là đội tàu đóng góp phần lớn sản lượng khai thác thủy sản trong tỉnh.
Số còn lại 2.238 chiếc là loại tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 12m, chủ yếu làm nghề lưới rê và nghề câu, hoạt động vùng biển ven bờ trong tỉnh.
Hoài Thanh