Hà Tĩnh siết chặt phòng chống dịch truyền nhiễm mùa nắng nóng

Trước nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, ngành Y tế Hà Tĩnh kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, không chủ quan. Thời tiết nắng nóng, cùng với hoạt động giao thương, du lịch tăng cao đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và lây lan.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành trong cả nước ghi nhận sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi… Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 76.000 ca nghi mắc sởi, trong đó hơn 8.500 ca dương tính, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc. Tại khu vực phía Nam, đã có hơn 3.700 ca mắc tay chân miệng; đặc biệt, giữa tháng 4, số ca mắc tăng 35,5% so với trung bình các tháng trước.

Công tác kiểm tra, thăm khám được tổ chức nhanh chóng, kịp thời để phát hiện sớm những ổ dịch tránh để bùng phát
Công tác kiểm tra, thăm khám được tổ chức nhanh chóng, kịp thời để phát hiện sớm những ổ dịch tránh để bùng phát

Tại Hà Tĩnh, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, từ đầu năm đến nay chỉ ghi nhận 3 ca sốt xuất huyết vãng lai, hơn 800 ca sởi và gần 4.000 ca cúm, không có trường hợp tử vong. Các bệnh như thủy đậu, quai bị, tay chân miệng, tiêu chảy… cũng xuất hiện rải rác nhưng không phát triển thành dịch.

Tuy nhiên, ngành Y tế tỉnh cảnh báo rằng thời tiết nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển. Đồng thời, nhu cầu giao thương và du lịch tăng cao trong mùa hè cũng làm gia tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.

Hiện tại, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đang điều trị hơn 10 bệnh nhân mắc sởi tại Khoa Truyền nhiễm và Khoa Nhi, phần lớn chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine. Bác sĩ Dương Văn Giáp, Phó Trưởng khoa Nhi, cho biết các bệnh nhi được cách ly riêng để tránh lây chéo. Do phát hiện muộn nên việc điều trị thường kéo dài.

Hình ảnh bệnh nhân được các bác sỹ thăm khám, điều trị kịp thời
Hình ảnh bệnh nhân được các bác sỹ thăm khám, điều trị kịp thời

Ngoài sởi, khoa cũng tiếp nhận nhiều ca tay chân miệng chuyển nặng (độ 2B), có nguy cơ tử vong cao, một số bệnh nhi phải lọc máu và được chuyển lên tuyến trên điều trị.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm 2025, ngành Y tế đã tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm các ca nghi ngờ từ cộng đồng, cơ sở y tế đến cửa khẩu. Các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động luôn sẵn sàng hỗ trợ xử lý các ổ dịch khi cần thiết.

Tính đến nay, CDC Hà Tĩnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát cho y tế tuyến huyện, thực hiện 2 chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi bổ sung cho 8.138 trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi. Đồng thời, ngành Y tế cũng phối hợp với Sở Giáo dục triển khai nhiều biện pháp phòng dịch tại các trường học.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh: tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em và người lớn; giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày; đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy...

Trẻ em và người cao tuổi nên được cung cấp đầy đủ nước, dinh dưỡng hợp lý, giữ cơ thể sạch sẽ, ăn chín uống sôi và mặc trang phục thoáng mát. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Diễm Phước