Hà Tĩnh: Thôn Làng Chè được chọn thí điểm phát triển du lịch

Bộ NN&PTNT đã đưa thôn Làng Chè của xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh vào mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững.

Những đồi chè bạt ngàn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Những đồi chè bạt ngàn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Chè Tây Sơn được xem là đặc sản của chè Hà Tĩnh, với những đồi chè xanh bạt ngàn, hút mắt cùng nhiều cảnh quan kỳ thú thu hút khách du lịch vào tham quan, trải nghiệm khi đến với vùng đất Hương Sơn. Đây là một mô hình mới của tỉnh Hà Tĩnh đang hướng tới phát triển trong và sau đại dịch Covid- 19 của doanh nghiệp.

Cây chè không chỉ là cây “giảm nghèo, làm giàu” đối với những hộ dân nơi đây, mà chính quyền và người dân địa phương đang quyết tâm xây dựng nơi đây thành sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái cộng đồng.

Vì khi đến với xã Sơn Kim 2 không chỉ có đồi chè xanh mướt, mà còn được thiên nhiên ưu đãi cho hệ thống sinh thái đa dạng phong phú, nhiều ao hồ, khe suối sẽ là điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch thích khám phá, trải nghiệm.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã chọn thôn Làng Chè của xã Sơn Kim 2 là 1 trong 6 thôn thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững thuộc chương trình phát triển du lịch nông thôn, giai đoạn 2021-2025.

Đến đây du khách có thể trực tiếp trải nghiệm hái chè.
Đến đây du khách có thể trực tiếp trải nghiệm hái chè.

Mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững nhằm từng bước xây dựng thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 thành khu du lịch cộng đồng, góp phần phát triển du lịch miền núi Hương Sơn.

Xây dựng được các tour tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm, các dịch vụ vui chơi giải trí tại vùng nguyên liệu chè, chụp hình tại đồng chè Tiền Phong; dịch vụ homestay kết hợp trải nghiệm trồng, thu hái chè búp tươi, vườn chè bậc thang, câu cá, nuôi gà, ngâm tắm nước nóng; phát huy các lợi thế về tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, tạo điều kiện hình thành và phát triển các dịch vụ nhà hàng, khách sạn và dịch vụ homestay.

Mô hình liên kết giữa cộng đồng và các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong đó người dân, cộng đồng là chủ thể tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động du lịch như các mô hình chăn nuôi hươu, dê, ong, câu cá, đồi chè, dịch vụ homestay tại các hộ thuộc thôn Làng Chè.

Với việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là hướng đi mới, bền vững hơn trong xây dựng NTM.

Diễm Phước – Trí Thức