Hà Tĩnh: Trồng chè kết hợp du lịch sinh thái, định hướng phát triển sau covid của chè Tây Sơn

Chè Tây Sơn được xem là đặc sản của chè Hà Tĩnh, với những đồi chè xanh bạt ngàn, hút mắt cùng nhiều cảnh quan kỳ thú thu hút khách du lịch vào tham quan, trải nghiệm tại đây. Đây là một mô hình mới của tỉnh Hà Tĩnh đang hướng tới phát triển trong và sau đại dịch của doanh nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, sản phẩm chè Hà Tĩnh đã tạo nên thương hiệu, tuy nhiên để cạnh tranh được với các loại chè khác như Thái Nguyên , Shan Tuyết, Lâm Đồng,…đang là một chặng đường lớn, trong khi đó thị trường tiêu thụ các sản phẩm chè công nghiệp ở trong tỉnh hầu như rất hiếm hoi. Vì đa phần người dân Hà Tĩnh vẫn đang ưa chuộng chè cành, chè truyền thống. Nên toàn bộ sản phẩm chè của ta sản xuất ra chủ yếu là cung cấp thị trường các nước Trung Đông.

Những cánh đồng chè xanh bạt ngàn thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh
Những cánh đồng chè xanh bạt ngàn thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh

Hiện tại Hà Tĩnh có 1260ha chè, trong đó có 945ha đang cho thu hoạch nhưng vẫn được các xí nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm trọn gói. Được biết, hoạt chất tan anh có trong trà xanh ở Hà Tĩnh rất được các nước Trung Đông ưa chuộng. Theo báo cáo của Công ty chè Hà Tĩnh thì năm 2020 đơn vị đã xuất khẩu thu về được  3 triệu đô (gần 70 tỷ đồng) là một đóng góp đáng kể cho tỉnh Hà Tĩnh.

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động lên thị trường chè toàn cầu khiến xuất khẩu chè của Việt Nam gặp khó khăn, nhu cầu giảm khiến giá chè nguyên liệu xuất khẩu có xu hướng giảm theo. Về nguồn cung, do kiểm soát dịch tốt, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất chè tại Việt Nam đã trở lại bình thường.

Đây là một hướng đi mới bền vững trong xây dựng NTM
Đây là một hướng đi mới bền vững trong xây dựng NTM

Thị trường chè trong nước được dự báo sẽ không có biến động mạnh do nguồn cung tương đối ổn định. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, triển vọng xuất khẩu chè trong năm 2021 vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Chính vì thế, thời gian gần đây Hà Tĩnh cũng tìm ra những hướng đi mới nhằm tạo hướng ổn định cho cây chè.

“Không chỉ dựa vào xuất khẩu mà tới đây chúng tôi cũng đang hướng đến thị trường trong nước, “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện tại, chúng tôi đã có 3 cửa hàng trưng bày để bán sản phẩm, hi vọng đây sẽ là một hướng đi giúp ngành chè Hà Tĩnh có hướng phát triển mới. Được người Việt Nam tin tưởng và ưa dùng, giúp nâng cao giá trị của cây chè. Hiện tại Xí nghiệp chè Tây Sơn đã xây dựng thành công sản phẩm chè OCOP 3 sao, tiếp theo đơn vị sẽ hướng tới việc xây dựng sản phẩm chè OCOP 4 sao nhằm mở rộng thị trường, ông Nguyễn Hồng Sánh – Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn” cho hay.

Bên cạnh đó nhằm tận dụng lợi thế của mình, huyện Hương Sơn đang muốn xây dựng mô hình trồng chè kết hợp với du lịch trải nghiệm để thu hút khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng cũng như khám phá những cảnh đẹp nơi đây, những đồi chè xanh bạt ngàn giữa cái nắng oi bức của miền Trung.

Sơn Kim 2 là xã miền núi biên giới, gần Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, giáp với nước bạn Lào. Sau “cán đích” nông thôn mới (NTM) năm 2016, cán bộ, nhân dân xã Sơn Kim 2 tiếp tục xây dựng xã đạt NTM kiểu mẫu. Sơn Kim 2 có diện tích đất tự nhiên hơn 20.000 ha với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng. Đặc biệt, thế mạnh của địa phương là vùng sản xuất chè công nghiệp có diện tích lớn nhất tỉnh, gần 400 ha. Sản phẩm chè của Sơn Kim 2 đã được xây dựng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hiện đang tiếp tục xây dựng theo tiêu chuẩn RA.

Khách đến Sơn Kim 2 sẽ được ngắm các thôn có đồi chè đẹp
Khách đến Sơn Kim 2 sẽ được ngắm các thôn có đồi chè đẹp

Theo lãnh đạo huyện Hương Sơn, chè không chỉ là cây “giảm nghèo, làm giàu” đối với những hộ dân nơi đây, mà chính quyền và người dân địa phương đang quyết tâm xây dựng một số vùng trồng chè thành sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái cộng đồng. Theo kịch bản tour, tuyến du lịch của địa phương, khách đến Sơn Kim 2 sẽ qua các thôn có đồi chè đẹp, địa hình thuận lợi như Tiền Phong, Thanh Dũng, Làng Chè… để tham quan, trải nghiệm trồng, thu hái chè, tham quan nhà máy sản xuất chụp ảnh lưu niệm, ảnh cưới...

Không chỉ có đồi chè xanh mướt, Sơn Kim 2 còn được thiên nhiên ưu đãi cho hệ thống sinh thái đa dạng phong phú, nhiều ao hồ, khe suối sẽ là điểm đến thu hút khách du lịch thích khám phá, trải nghiệm.

Trên thực tế, mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp với trồng chè đã được áp dụng ở nhiều vùng chè tại các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Nghệ An… đang dần dần nhận được nhiều kết quả mong đợi. Với việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là hướng đi mới, bền vững hơn trong xây dựng NTM cũng như phát triển ngành trong và sau đại dịch covid 19 mà Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo hướng đến.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.