Habeco đạt lợi nhuận sau thuế cả năm gần 527 tỷ đồng, tăng gấp 2,38 lần kế hoạch

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – Mã CK: BHN) đã công bố BCTC quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trở lại. Với tổng lợi nhuận sau thuế cả năm đạt gần 527 tỷ đồng, gấp 2,38 lần so với mục tiêu đề ra.

Habeco đạt lợi nhuận sau thuế cả năm gần 527 tỷ đồng, tăng gấp 2,38 lần kế hoạch - Ảnh 1

Trên bảng cân đối kế toán, trong vòng 2 năm trở lại đây tổng tài sản của Habeco đã tăng nhẹ hơn 2% lên hơn 7.256 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền và các khoản tương đương tiền đã giảm 28% từ 723 tỷ đồng hồi đầu năm lên 520 tỷ đồng ngày 31/12/2022. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng 21% lên hơn 2.964 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 3 – 12 tháng. Khoản đầu tư tài chính dài hạn lại tăng 17% lên 317 tỷ đồng, do có thêm 50 tỷ đồng khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 12 tháng.

Nợ phải trả của công ty giảm gần 16% xuống còn 1.927 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn đạt 564 tỷ đồng, tăng 41%, khoản thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng gần 29%, lên 440 tỷ đồng, khoản phải trả ngắn hạn khác giảm mạnh từ 767 tỷ đồng xuống 269 tỷ đồng, tương đương giảm tới 65%.

Habeco đạt lợi nhuận sau thuế cả năm gần 527 tỷ đồng, tăng gấp 2,38 lần kế hoạch - Ảnh 2

Trong báo cáo Quý IV/2022, Habeco ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.468 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán đạt 1.845 tỷ đồng, tăng gần 20%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng 68% lên hơn 57 tỷ đồng, còn chi phí hoạt động tài chính giảm 25% xuống gần 2,1 tỷ đồng.

Sau khi giảm trừ các loại chi phí, quý IV/2022, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lãi gần 1,4 tỷ đồng.

So với quý trước, lợi nhuận quý IV/2022 chỉ bằng 22% lợi nhuận quý III/2022 (lãi gần 234 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây là xu thế trong vòng 2 năm qua của Habeco, khi quý II và quý III sẽ có lợi nhuận đột phá, còn quý IV và quý I là giai đoạn lợi nhuận thấp.

Bước sang năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty sẽ phải tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Do ảnh hưởng từ biến động nguồn cung và giá nguyên vật liệu trên thế giới, đặc biệt là sự tăng giá ngay từ những ngày đầu năm 2023 của các nguyên vật liệu sản xuất chính.

Tại thị trường trong nước, dù tình hình kiểm soát dịch bệnh đã có những diễn biến tích cực nhưng thu nhập của người tiêu dùng giảm sau dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến sức mua, đặc biệt là đối với những sản phẩm không thiết yếu như bia, rượu, nước giải khát. Trước bối cảnh đó, Habeco xác định tập trung vào xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, gia tăng kết nối người tiêu dùng; đầu tư mở rộng, đa dạng hóa kênh phân phối; nghiên cứu, phát triển dòng sản phẩm mới.

Habeco là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tiêu thụ bia phía Bắc với thương hiệu Bia Hà Nội và Bia hơi Hà Nội. Thành lập năm 1890, tiền thân là nhà máy Bia Hommel được người Pháp xây dựng và có trụ sở chính tại 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bia, rượu, nước giải khát và bao bì; xuất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng, phụ liệu cho ngành bia rượu nước giải khát; dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn đầu tư; kinh doanh bất động sản.

Tiến Hoàng

Từ khóa: