Hàng loạt mặt hàng miễn thuế chịu hạn ngạch khi xuất vào EU từ 1/8

EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 và theo thỏa thuận này, nông sản, đặc biệt là gạo Việt Nam, sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào EU. Tuy nhiên, các mặt hàng này có hạn ngạch nhập khẩu hằng năm.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 15/7 đã công bố và nêu rõ phương thức quản lý về hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp và gạo của Việt Nam, theo thỏa thuận của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thông báo của EC cho biết, hạn ngạch nhập khẩu vào EU đối với một số nông sản Việt Nam được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/8 như sau: Trứng gia cầm có hạn ngạch từ ngày 1/8 đến 31/12 là 208,334 tấn và hạn ngạch mỗi năm là 500 tấn; tỏi 167,668 tấn và 400 tấn; ngô 2.083,334 tấn và 5.000 tấn; bột sắn 12.500 tấn và 30.000 tấn; cá ngừ 4.791,668 tấn và 11.500 tấn; surimi 208,334 tấn và 500 tấn; đường 8.333,334 tấn và 20.000 tấn; đường đặc biệt 166,668 tấn và 400 tấn; nấm 145,834 tấn và 350 tấn…

Riêng với gạo, EC đưa ra một quy định riêng và với hạn mức hằng năm là 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Để đảm bảo việc tiêu thụ và tránh bị dồn ứ mặt hàng gạo trên thị trường, EC đã đưa ra hạn ngạch nhập khẩu cụ thể cho từng loại gạo đối với từng giai đoạn trong năm như sau:

Gạo chưa xay xát từ ngày 1/1 tới 31/3 là 10.000 tấn; từ ngày 1/4 tới 30/6 là 5.000 tấn; từ ngày 1/7 tới 30/9 là 5.000 tấn.

Gạo xay xát từ ngày 1/1 tới 31/3 là 15.000 tấn; từ ngày 1/4 tới 30/6 là 7.500 tấn; từ ngày 1/7 tới 30/9 là 7.500 tấn.

Gạo thơm từ ngày 1/1 tới 31/3 là 15.000 tấn; từ ngày 1/4 tới 30/6 là 7.500 tấn; từ ngày 1/7 tới 30/9 là 7.500 tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mặc dù hạn ngạch XK gạo sang EU chỉ 80.000 tấn nhưng gạo xuất qua thị trường này là sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, các tiêu chuẩn của thị trường EU rất cao nên khi gạo Việt vào được EU thì vị thế sẽ được nâng cao hơn trên thị trường quốc tế.

Cùng với EVFTA, năm 2020, một số thuận lợi khác cũng đến với gạo Việt khi trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc hai văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20 nghìn tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và XK.

Hàng loạt mặt hàng miễn thuế chịu hạn ngạch khi xuất vào EU từ 1/8 - Ảnh 1

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496 triệu tấn, giảm 0,6% so với năm 2019, trong khi tiêu dùng gạo thế giới đạt 490 triệu tấn, tăng khoảng 0,9% so với năm 2019. Chưa kể thế giới đang phải ứng phó với dịch COVID-19 nên nhiều nước đã tăng thu mua lúa gạo dự trữ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự bảo trong niên vụ 2020/2021, diện tích trồng lúa trên toàn cầu sẽ tăng 1,5% so với niên vụ trước và đạt 163 triệu ha. Diện tích này chỉ thấp hơn 0,3 triệu ha so với mức cao kỷ lục lịch sử đạt được vào niên vụ  2016/2017.

Với diện tích như trên, cộng với việc tăng năng suất bình quân trên toàn thế giới, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2020/2021 dự kiến sẽ đạt kỷ lục 502 triệu tấn, tăng gần 2% so với dự báo trước đó và tăng khoảng 3,8 triệu tấn so với niên vụ trước.

Thương mại gạo toàn cầu năm 2021 dự báo sẽ đạt 45,2 triệu tấn, tăng hơn 5% so với năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn gần 3 triệu tấn của mức kỷ lục 48,1 triệu tấn năm 2017. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan, Việt Nam, Australia, Campuchia và Trung Quốc sẽ tăng trong năm 2021.

Về nhập khẩu, dự báo Philippines sẽ tăng lượng nhập thêm 800.000 tấn trong năm 2021. Các thị trường như Nigeria, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo mỗi nước…

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam để triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động XK gạo (thủ tục, logistics, tín dụng…).

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu gạo trong nước và quốc tế; dự báo động thái của các nước XK, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, diễn biến dịch bệnh và thiên tai để kịp thời ứng phó với các thay đổi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án điều hành phù hợp với tình hình ổn định mới trong bối cảnh dịch bệnh.

Duy Cảnh