Hàng nghìn sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 vi phạm bị yêu cầu gỡ bỏ trên ​các sàn thương mại điện tử

Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 như Kit test, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.

Theo Bộ Công Thương, sau hơn 3 năm hoạt động, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tấn công được vào những điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được; Lực lượng QLTT đã tập trung thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bộ Công Thương nêu rõ, tính đến hết năm 2021, đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử) và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông,… Năm 2021, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn TMĐT, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm.

Hàng nghìn sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 vi phạm bị yêu cầu gỡ bỏ trên ​các sàn thương mại điện tử - Ảnh 1

Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ việc điều trị COVID-19 tại nhà, như các loại máy thở, nhất là máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2, được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu, thậm chí có thể phát hiện SARS-CoV-2.

Các thiết bị đo nồng độ oxy có đặc điểm chung, hoặc là nhái các thương hiệu uy tín, hoặc có tên chung chung là Oximeter; thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

Theo phản ánh trên các mạng xã hội và một số bộ phận chuyên môn, hầu hết các thiết bị đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người tiêu dùng sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này nếu tin theo chỉ số không chính xác trên máy sẽ rất nguy hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trước tình hình này, Bộ đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website TMĐT bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19 như Kit test, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.

 Về giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thời gian tới, Bộ Công thương cho rằng, lực lượng QLTT tổ chức thực hiện trên toàn quốc Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ...

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu; Phối hợp với Bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường hiệu quả công tác của ngành, đẩy mạnh sản xuất, nhất là sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức hút cạnh tranh trên thị trường.

Đối với giải pháp quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương sẽ thực hiện một số giải pháp như: Hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác chống hàng giả trong TMĐT; Nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ trong hoạt động thực thi pháp luật về TMĐT; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; Đẩy mạnh giải quyết tranh chấp, khiếu nại trực tuyến... 

Bảo Anh (t/h)