"Say" chè để làm nên sự nghiệp từ chè
Năm 26 tuổi, cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, anh Hoàng Văn Tuấn quyết định rời phố thị về vùng chè quê hương khởi nghiệp và say mê với trà hữu cơ sạch.
Hoàng Văn Tuấn sinh năm 1993 ở làng nghề chè thuộc xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Vùng chè đặc sản Phú Lương Thái Nguyên này đã nuôi sống biết bao người dân ở đây và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Mặc dù đó là nghề truyền thống, gắn bó từ nhiều đời, nhưng bố mẹ Tuấn lại không muốn con trai nối nghiệp gia đình mà hy vọng con được ra ngoài, làm một công việc nhàn hạ hơn.
Chàng trai trẻ chia sẻ, ngay từ đầu đã có nguyện vọng được ở nhà theo nghề truyền thống nhưng bố mẹ nhất quyết không đồng ý. Anh chàng đành phải đi xin việc cho bố mẹ vui lòng. Không dừng lại ở đó, Tuấn kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ, sau nhiều cố gắng, chàng trai thạc sĩ cũng có được cái gật đầu để được sống với niềm đam mê của một người nông dân.
Được biết, năm 16 tuổi Tuấn với hoài bão căng tràn nhựa sống với khát khao cháy bỏng làm một điều gì đó có ý nghĩa với nơi quê hương mình đã chôn rau cắt rốn. Thửa đó quê Tuấn nghèo lắm, những người nông dân trồng trà hăng say lao động trên nương trà, cái nắng đi qua những mùa hè khiến người nông dân rất vất vả với thời tiết khắc nghiệt…nhưng đánh đổi lại thu nhập giá trị kinh tế cũng không được nhiều.
Với quyết tâm và ước mơ sẽ làm ra những sản phẩm mang thương hiệu trà hữu cơ sạch Thái Nguyên. Tuấn đã học theo chỉ dạy của bố mẹ và những kiến thức trên sách vở về cách làm trà, kỹ thuật chăm sóc…mà không cần dùng tới phân bón hóa học, hay thuốc trừ sâu như ngày nay.
Tuấn chăm chỉ, ham học hỏi và làm trà bằng cả trái tim đam mê. Bí quyết để chè ngon và mang hương vị đặc biệt theo Tuấn nằm ở trong chính cái tâm làm nghề của mình. "Làm chè là làm thức quà tinh hoa của trời đất ban tặng, nên người làm trà chân chính cần tỉ mỉ trong tất cả các khâu, không vội vàng, không lo lắng, vô lo vô nghĩ" hiện tại sản phẩm trà của Tuấn đã được đăng ký mã số, mã vạch (GS1 Viet Nam) và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chia sẻ về quy trình sản xuất trà hữu cơ sạch, anh Tuấn cho biết: “Quy trình sản xuất của gia đình tôi hoàn toàn khép kín, từ khâu trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VN 11041-2:2017 không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, không sử dụng chất tạo hương, tạo màu, chất bảo quản cho sản phẩm trà khi được tiêu thụ ra thị trường tới tay người tiêu dùng.
Sản phẩm trà được thu hái tỉ mỉ, khéo léo bởi bàn tay của những cô gái người dân tộc Tày, H'Mông mỗi buổi sương sớm ban mai... Sau đó, trà sau chế biến và đóng gói hút chân không rất đẹp, sang trọng và lưu giữ nguyên vẹn hương vị tự nhiên vốn có của trà.
Về quy trình thu hái, anh Tuấn cho biết: Trà búp tiêu chí được hái 1 tôm 2 lá; trà nõn tiêu chí 1 tôm 1 lá; trà đinh tiêu chí 1 đinh. Đối với công đoạn chế biến trà phải thật tỉ mỉ, bởi tay nghệ nhân trà trên 40 năm kinh nghiệm từ khâu sao sấy, vò xoăn cánh trà phải được đảm bảo, những thiết bị bằng inox cũng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm về vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối. Hiện nay, tại nông vườn sản xuất vùng nguyên liệu trà của cơ sở gia đình với những giống trà chính như: Trung du, chè cành lai F1, TRi 777... là chính.
Làm sống lại vùng chè Phú Đô
Phú Đô là xã miền núi có diện tích trồng chè lớn tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Chè cũng là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân nơi đây. Hợp tác xã (HTX) trà an toàn Phú Đô được thành lập ngày 22/02/2022, vốn huy động một tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh gồm: Trồng chăm sóc, sản xuất cây chè; bán buôn thực phẩm, bán buôn chè... Hợp tác xã được thành lập với mục đích giúp các tổ viên liên kết lại với nhau, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, thị trường tiêu thụ nhằm nâng tầm thương hiệu chè an toàn của địa phương ngày càng bền vững.
Được biết, HTX trà an toàn Phú Đô thành lập nhằm hội tụ những người nông dân quê hương xã Phú Đô hướng đến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lương cao. Để kéo dài chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chè, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời gắn chặn với bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước ngọt, tài nguyên không khí, hướng tới phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ cốt lõi và xuyên xuất của hợp tác xã.
Vừa nhâm nhi chén trà nnh Hoàng Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô ngâm từng câu thơ nói về trà do anh sáng tác “Dù bạn ở bốn phương/ Nhớ về Phú Đô rất giàu tình quê/ Nhớ hương thơm vị ngậy trà xanh/ Ngọt hậu nhẹ ấy mà nhớ lâu. Phú Đô ơi, Phú Đô ơi!/ Quê hương em sao mà xanh đến thế/ Đồng lúa vàng óng ả sải cánh cò bay/ Tựa bát nước trà xanh, vị quê em sao mà đậm đà thế/ Bình minh ơi! sương còn phủ nương trà tựa như ngọc/ Long lanh tựa cô gái đôi mươi chờ người yêu thầm gọi/ Nâng niu chén trà xanh tựa như lá trên cành/ Mồ hôi nặng trĩu đôi má em thêm hồng/ Hỏi anh có về làm rể quê trà em không”.
“Bén duyên với nghề kinh doanh từ 2008, kế tiếp nghề trà truyền thống của tổ tiên nhưng anh tiếp cận với nông nghiệp hữu cơ nên anh đã quyết định làm theo cách mới đó chính là sản xuất trà xanh Organic nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị sản phẩm từ trà, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tạo kế sinh nhai bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi quê nhà, tiến tới là phát triển du lịch nông nghiệp nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương nói riêng và kéo dài chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Nói chung, tâm huyết nghề trà truyền thống quả không hề dễ dàng, nhưng với tinh thần không ngại khó ngại khổ anh Tuấn đã nỗ lực bằng cả tình yêu nghề, tình yêu quê hương, đất nước, với bản lĩnh doanh nhân trẻ, trí tuệ, bền bỉ là chìa khoá giúp anhTuấn đứng vững trên thị trường 15 năm nay. Với những nỗ lực không ngừng của bản thân anh vừa qua ngày 18/5 anh Tuấn được tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023...
Ông Phùng Thanh Hà - Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có 3 HTX sản xuất chè đã được thành lập được 2 -3 năm và có một sản phẩm trà tôm nõn đặc biệt đạt OCOP 4 sao, xã Phú Đô đã về đích Nông thôn mới trong năm 2018 đến năm 2024 xã hướng đến đạt Nông thôn mới nâng cao. Định hướng của xã gắn với xây dựng các mô hình chè và du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, đặc biệt các mô hình nông nghiệp VietGap tiến tới hữu cơ”.
Xã Phú Đô hiện có gần 700ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 7.300 tấn /năm. Tính ra, mỗi năm người làm chè của xã cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn chè búp khô, giá trị trên 4 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Được phù sa của dòng chảy sông Cầu bồi đắp, những nương chè ở xã Phú Đô hưởng trọn nguồn nước tự nhiên đầu tiên cho vùng đất và hệ sinh thái mát mẻ từ dòng sông giúp cho vị chè thơm ngon, ngọt hậu khiến người thưởng chè khó có thể quên được hương vị.
Những năm qua, cùng với việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, xã quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm chè như: Khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng máy sao, vò chè bằng Inox, mở rộng diện tích chè VietGAP, hỗ trợ van tưới chè người dân, xây dựng vùng sản xuất, chế biến chè an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã Phú Đô cho biết: “Đối với xã thế mạnh là nông nghiệp trong đó sản phẩm chè là thế mạnh, địa phương luôn luôn quan tâm vì cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của bà con nông dân. Còn đối với, vấn đề du lịch nông nghiệp vừa qua xã cũng có những định hướng liên quan tới du lịch nông nghiệp, trong năm 2022 xã cũng có tổ chức chương trình Lễ hội giới thiệu các sản phẩm trà của thế mạnh địa phương. Tuy nhiên, điều kiện của xã còn có nhiều khó khăn, để làm được mô hình du lịch nông nghiệp xã cũng có hình thành một số ý tưởng ở một số mô hình trên địa bàn xã và cũng đưa một số đơn vị về để hướng dẫn, đào tạo tập huấn cho các HTX, sau này gắn các sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh khác hướng đến du lịch nông nghiệp, trong năm 2023 xã đăng ký thêm 03 sản phẩm để đạt OCOP….”.
Để khẳng định thương hiệu "chè Phú Đô" trên thị trường, xã còn phối hợp với ngành chuyên môn từng bước triển khai thí điểm các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm.
Hiện toàn xã có gần 140ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và nhiều diện tích chè hữu cơ. Sản phẩm trà cũng được nhiều hộ sản xuất chè cũng như các hợp tác xã ở Phú Đô đăng ký mã vạch, thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
PHI LONG