Doanh nghiệp thích ứng trạng thái “bình thường mới”
Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã trở thành giải pháp cứu cánh cho bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động tại Việt Nam; là bước đầu tiên quan trọng để Việt Nam trở về trạng thái bình thường mới.
Với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, đồng thời thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi đại dịch Covid-19 đẩy Việt Nam vào tình thế đầy thách thức như đóng cửa nhà máy, đình trệ sản xuất và tắc nghẽn chuỗi cung ứng thì Nghị quyết 128 đã được đưa ra nhằm loại bỏ sự lây lan của dịch bệnh nhưng vẫn cho phép doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời kỳ bình thường mới. Điểm mấu chốt cho các doanh nghiệp là tìm ra sự cân bằng giữa việc phục hồi và xây dựng lại hoạt động trong khi vẫn giữ an toàn cho nhân viên.
Với đặc thù ngành da giày sử dụng nhiều lao động, cơ sở, nhà máy bố trí ở nhiều địa phương, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... Công ty TNHH Nam Bình đã chủ động các phương án phòng dịch từ sớm, nhất là triển khai hiệu quả mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến” nên hạn chế được tác động của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình chia sẻ: “Tuy phải cắt giảm lao động nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm duy trì sản xuất ngay trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp. Tín hiệu đáng mừng là chúng tôi đang phục hồi tốt với tỷ lệ lao động có tăng lên. Công ty tiếp tục linh hoạt tổ chức sản xuất để bảo đảm các đơn hàng trong và ngoài nước”.
Nhằm kịp thời thích ứng với trạng thái mới, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) đã có hơn 90% người lao động đi làm trở lại. Doanh nghiệp đang kết nối lại với các đối tác để tăng nguồn nguyên liệu cũng như công suất sản xuất. Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, hiện người lao động của công ty đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Bên cạnh bắt nhịp sản xuất, kinh doanh ổn định trong điều kiện mới, công ty tiếp tục duy trì các phương án phòng, chống dịch.
Thuộc trong những nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong ngành chè giờ đây cũng đang tìm kiếm hướng đi mới để kịp thời thích ứng sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Tại Lai Châu, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, sức mua chè của thị trường giảm hẳn so cùng kỳ năm 2019. Giá mua của thị trường cũng giảm, một số sản phẩm nguồn cung lớn hơn cầu; bên cạnh đó, chi phí xuất khẩu tăng tới 150-200%.
Bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty CPĐTPT chè Tam Đường cho biết, Việc bố trí, sắp xếp lao động trong sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo hoạt động, vừa phòng, chống dịch Covid-19 nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty CPĐTPT chè Tam Đường đã họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp ứng phó đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến chè. Theo đó, công ty vẫn giữ nguyên quy mô hoạt động sản xuất, tiếp tục liên kết với nông dân; tuyên truyền, vận động bà con đầu tư thâm canh các vùng nguyên liệu đảm bảo năng suất, chất lượng để cung cấp cho đơn vị. Công ty vẫn cam kết tạm ứng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, đặc biệt bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hái với giá ổn định.
Đặc biệt, trong sản xuất chế biến, công ty đưa một số công đoạn sản xuất bằng việc áp dụng cơ giới hóa để giảm thiểu công nhân trong nhà máy; đảm bảo người lao động sản xuất không bị lây lan dịch Covid-19. Riêng chế độ chính sách, công ty vẫn quan tâm, động viên kịp thời, đáp ứng đầy đủ về lương, thưởng, phụ cấp để người lao động yên tâm làm việc. Đối với việc tiêu thụ trên thị trường, công ty đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu và đưa ra giá thành sản xuất phù hợp thì khách hàng chấp nhận được.
Hiện nay, công ty có 110 cán bộ, công nhân viên, mức lương bình quân trên 7,2 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, công ty thành lập các tiểu ban phòng, chống dịch; chỉ đạo các phòng chuyên môn và các nhà máy chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch, nhất là chấp hành nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế. Đưa ra các nội quy, quy định trong sản xuất cũng như khi đến cơ quan, nhà máy; đồng thời đầu tư trang thiết bị vật tư y tế, thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, thực hiện giãn cách giữa các công nhân khi hoạt động sản xuất chế biến.
Đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong khoảng thời gian vừa qua. Để sẵn sàng cho một trạng thái “bình thường mới” các doanh nghiệp giờ đây đã từng bước lên kịch bản để kịp thời thích ứng. Tiếp tục hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh đã được doanh nghiệp đề ra.
Đồng lòng cùng doanh nghiệp
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng Báo cáo kết quả phát triển KTXH năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 mà Thủ tướng Chính phủ trình trước Quốc hội sáng ngày 20/10 đã mô tả sát với thực tiễn đang diễn ra đối với nền KT-XH của thế giới cũng như của Việt Nam, trong đó nhìn nhận cả những mặt làm được, những mặt chưa làm được, đặc biệt đã đưa những giải pháp trọng tâm để giải quyết những hạn chế, khó khăn còn tồn tại hiện nay, nhất là liên quan đến phòng chống dịch bệnh và phát triển KT-XH từ nay đến cuối năm và cả năm sau 2022.
Chính phủ đã hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine… Nhờ đó, Chính phủ và nhiều ngành, địa phương đã có điều kiện để cân nhắc tích cực hơn các kịch bản, lộ trình và biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Để tiếp tục duy trì hoạt động sau khủng hoảng là một nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả các doanh nghiệp, nhưng chiến lược phù hợp có thể giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch trên phạm vi hẹp để khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn hậu Covid là phù hợp trong điều kiện mới. Điều quan trọng nhất là tất cả các bên liên quan phải được thông báo đầy đủ và kịp thời để có sự chuẩn bị phù hợp, chuyển đổi cách thức sản xuất trong ngắn hạn để thích ứng nhanh, hiệu quả với tình hình mới như hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, chính quyền địa phương đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giữ chân người lao động, tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp với các doanh nghiệp để đón chuyên gia, người lao động quay lại làm việc... Các địa phương đã thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tái sản xuất, kinh doanh. Để hiệu quả được nâng cao, đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động đưa ra các phương án tối ưu phù hợp với đặc thù từng doanh nghiệp để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Linh hoạt thích ứng, mạnh dạn thay đổi để bảo đảm phục hồi, tăng trưởng ổn định là tinh thần, cách làm cần lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp thời điểm này.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.