Ngân hàng TMCP phát triển TP.HCM (HDBank) vừa công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, ngày 4/6, HDBank nhận được quyết định 1520/QĐ-CT của Cục Thuế TP.HCM thông báo xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 190,5 triệu đồng.
Lý do HDBank bị xử phạt là do sai sót trong kê khai thuế theo quy định.
HDBank cũng cho biết đã hoàn thành việc nộp số tiền trên và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác theo yêu cầu của cơ quan thuế. Hiện ngân hàng không còn nghĩa vụ liên quan đến quyết định này.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu nhà băng này bị đưa ra quyết định xử phạt liên quan đến thuế. Trước đó, cuối năm 2018, HDBank cũng nhận quyết định số 1868/QĐ-TCT kèm theo quyết định uỷ quyền số 1869/QĐ-TCT và kết luận thanh tra thuế số 59/KL-TCT niên độ 2017 của Tổng cục Thuế.
Theo kết luận nói trên, tổng số tiền chậm nộp thuế, kê khai sai và phạt hành chính là hơn 1,4 tỷ đồng; Trong đó, kê khai sai là hơn 978 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, HDBank nộp trong quá trình thanh tra.
Theo tìm hiểu được biết, tính đến 31/12/2020, HDBank có thu nhập lãi thuần hơn 11.897 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ khoảng 950 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 167 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh 105 tỷ đồng…
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 2020 của HDBank đạt hơn 5.818 tỷ đồng; Đến 31/12/2020, HDBank có tổng vốn chủ sở hữu 24.704 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2021, huy động vốn và phát hành giấy tờ có giá đạt 219.266 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 31/12/2020. Dư nợ tín dụng đạt 197.970 tỷ đồng, tăng 5,2% với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.
Kết thúc quý I/2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của HDBank đạt trên 2.100 tỷ, tăng 68% so với quý 1/2020. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ vượt 1.800 tỷ đồng, tăng tới 88% so với cùng kỳ năm trước.
Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 26,3% và 2,1%. Chất lượng tài sản, các chỉ tiêu an toàn vốn, thanh khoản duy trì ở mức cao. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) trên 12%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn chỉ 23,4% so với mức 40% theo quy định. Hiệu quả quản trị chi phí tiếp tục nâng cao với hệ số chi phí/tổng thu nhập (CIR) chỉ 39,1% so với mức 51% quý I/2020.
Tạ Thành