2023 - Một năm thiếu những tín hiệu tích cực
Năm 2023, do tình hình khí hậu thay đổi thất thường và nhu cầu tiêu dùng chè suy giảm ở các thị trường trong và ngoài nước, ngành chè nước ta bị ảnh hưởng và gặp rất nhiều những khó khăn. Tình trạng nắng hạn kéo dài tại các tỉnh miền Bắc khiến chè cho ít lứa hơn các năm trước đó, người trồng chè tại các địa phương hầu hết không có giải pháp để giải quyết tình trạng trên khiến cho đa số diện tích trồng chè đều giảm sản lượng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè năm 2023 ước đạt 121 nghìn tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với năm 2022. Riêng trong quý 4/2023 xuất khẩu chè ước đạt 39.300 tấn, trị giá 70 triệu USD, tăng lần lượt 16,7% về lượng và 18,1% về trị giá so với quý 3/2023. So với cùng kỳ năm 2022, mặc dù lượng chè xuất khẩu giảm 22,1% nhưng lại tăng 1,4% về kim ngạch.
Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, các yếu tố chính khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2023 là do nhu cầu thị trường yếu và các quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe tại các thị trường chính. Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp, kinh tế ở các thị trường chính nhập khẩu chè Việt Nam như Nga, Đài Loan, Pakistan đang đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến việc nhập khẩu chè Việt Nam có xu hướng giảm.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, trong năm 2023 diện tích chè cả nước ổn định, khoảng 125 ngàn ha. Trong đó có 115 ngàn ha kinh doanh, 10 ngàn ha KTCB. Đã có nhiều dây chuyền công nghệ chế biến chè được cơ giới hoá cao được bổ sung thay thế tại các doanh nghiệp. Đặc biệt đã sản xuất được chè uống liền, cao trà, sản phẩm dược liệu, đang được thị trường đón nhận giúp nâng cao giá trị sản phẩm trà. Doanh nghiệp sản xuất chè Shan rừng đã có nhiều thay đổi, nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới, phát huy được lợi thế của chè cổ thụ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp và HTX thực hiện sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ và các chứng nhận khác. Có nhiều doanh nghiệp và HTX tham gia xây dựng mã số vùng trồng và BVTV theo hướng sử dụng thuốc BVTV, cải thiện thu nhập cho nông dân trong khuôn khổ dự án sản xuất chè bễn vững với sự hỗ trợ của RA.
Đưa trà Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng
Năm qua, Hiệp hội đã thực hiện 01 chương trình xúc tiến thương mại; tổ chức doanh nghiệp tham gia hội Trà toàn cầu tại Thâm Quyến – Trung Quốc. Hiệp hội tổ chức gặp mặt, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè Việt Nam với Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè Quảng Đông – Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin cùng hội viên tìm hiểu các giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong sản xuất và xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ và kết nạp 03 hội viên mới (03 tổ chức).
Có thể thấy, trong thời gian gần đây, Hiệp hội chè Việt Nam đã tổ chức cập nhật thông tin thị trường, cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho hội viên. Kênh Facebook tiếng Việt cập nhật liên tục, trang web tiếng Anh có nhiều tin bài, hoạt động quảng bá và các vùng chè, văn hoá và sản phẩm chè ra các nước trên thế giới.
Tạp chí Kinh tế và Đồ uống duy trì hoạt động tốt, nhiều tin bài về hoạt động của Hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè, văn hoá trà và thông tin thị trường chè đã được đăng tải, đưa tin kịp thời giúp bạn đọc cả nước và người làm chè nắm bắt những thông tin và tuyên truyền, quảng bá về ngành chè.
Hiệp hội đã phối hợp với Yêu trà Việt xây dựng và phát triển Fanpage của Hiệp hội và Yêu trà Việt nhằm giới thiệu, quảng bá các vùng trà, các sản phẩm trà đặc sản và văn hoá trà của Việt Nam. Tổ chức đào tạo tìm hiểu về trà, thử nếm trà và kiến thức pha trà, thưởng trà cho nhiều học viên trẻ trên khắp cả nước. Hiệp hội phối hợp trực tiếp cùng Cộng đồng Yêu trà Việt để xây dựng các chương trình hoạt động như: Lễ hội Tinh Hoa trà Việt tại Hội An vào đầu năm 2023, Sự kiện chào mừng Ngày chè thế giới 21/5/2023 tại Hồ Văn, Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó là các hoạt động đồng hành trải nghiệm đến các vùng chè trên cả nước, xây dựng các video chia sẻ kiến thức đến đông đảo người yêu trà có cơ hội tiếp cận một cách dễ dàng hơn.
Nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín trà Việt
Dự báo băm 2024, tình hình kinh tế trong nước và thế giới có xu hướng phục hồi chậm, tình hình chính trị Trung Đông diễn biến phức tạp, xung đột Nga – Ukraina chưa có hồi kết. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp còn nhiều, điều này dẫn tới thị trường chè trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung sẽ có nhiều biến động, tác động lớn tới sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ chè của Việt Nam.
Trong năm 2024, Hiệp hội Chè Việt Nam hướng đến mục tiêu toàn ngành vẫn duy trì sản lượng và diện tích hiện tại là 1.000.000 tấn chè búp tươi và 12.500 ha. Đặc biệt, tập trung vào những hoạt động sau:
Các doanh nghiệp và hội viên tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm, chủ động và kiểm soát được vùng nguyên liệu. Từng bước chuyển đổi sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chè an toàn theo chương trình khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất chè hữu cơ với quy mô hợp lý, đặc biệt là các đơn vị xuất khẩu chè Shan. Bảo tồn đất chè qua việc giữ đúng quy hoạch, hỗ trợ chống xói mòn. Chú trọng ứng dụng, cơ giới hoá trong nông nghiệp, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, sử dụng thuốc BVTV sinh học, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, kinh doanh chè kết hợp du lịch sinh thái. Phối hợp với các bên trong nhóm PPP chè thúc đẩy các hoạt động có hiệu quả giúp ngành phát triển bền vững.
Chú trọng ứng dụng cong nghệ mới và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến theo từng giống có chất lượng cao, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, tiết kiệm nhiên liệu và ưu tiên công nghệ sử dụng nhiên liệu sạch. Tiếp tục kiến nghị với Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương có chè về quản lý, quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến, tổ chức thực hiện đề án phát triển cây chè trong Đề án phát triển 06 cây công nghiệp chủ lực. Tổ chức sản xuất chè theo chuỗi sản phẩm chè an toàn, có chứng nhận.
Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp hội viên đoàn kết giúp đỡ cùng thống nhất về giá cả, chất lượng, để ổn định thị trường, tránh thiệt hại không đáng có. Thị trường Châu Âu cần ưu tiên cho các sản phẩm chè an toàn chất lượng cao, chè hữu cơ, chè đạt chứng nhận theo yêu cầu thị trường và các loại chè đặc sản. Thị trường Pakistan, Apganistan với việc duy trì chất lượng và các quy định để giữ vững thị trường, đặc biệt chú trọng tuân thủ quy định Halal về nấm mốc. Tập trung khai thác tiền năng của thị trường Trung Quốc Đại lục. Thị trường Đông Nam Á đa dạng hoá sản phẩm. Tiếp tục duy trì và khai thác mở rộng nâng sản lượng tại thị trường Mỹ. Chú trọng thị trường nội tiêu cả về chất lượng chủng loại, an toàn và tuyên truuyền quảng bá để nâng lượng tiêu dùng bình quân đầu người lên trên 500gam/người/năm.
Ông Hoàng Vĩnh Long - Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ, thời gian tới Hiệp hội sẽ đề xuất các bộ ngành có chính sách hỗ trợ tiếp tục nghiên cứu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ làm chè nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè. Phối hợp với các địa phương đề xuất và thực hiện có hiệu quả Chiến lược “Phát triển bền vững chè Shan tuyết vùng núi cao của Việt Nam”. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện và triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp kết nối bạn hàng và quảng bá sản phẩm. Đề nghị Viện Nông nghiệp miền núi phía Bắc tiếp tục nghiên cứu lại tạo ra các giống chè mới và quy trình công nghệ thích hợp cho sản xuất các loại sản phẩm chè đạt chất lượng tốt, giá trị cao để nâng cao thu nhập cho người làm chè.
Với sự phối hợp của Hiệp hội chè Việt Nam cùng các Bộ, ngành trong nỗ lực thúc đẩy phát triển chè Việt. Năm 2024 hy vọng sẽ trở thành một năm đầy khởi sắc của thương hiệu Chè Việt Nam, tiến tới xây dựng một chỗ đứng vững chắc của chè Việt Nam trên thị trường quốc tế, lan toả giá trị và tinh thần trà Việt ra toàn thế giới.