Hiệu quả từ những điểm giao dịch xã, phường của NHCSXH thị xã Ba Đồn

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Ba Đồn phối hợp chặt chẽ với các Hội, đoàn thể nhận ủy thác luôn duy trì hiệu quả hoạt động giao dịch tại các xã, phường (gọi tắt là Điểm giao dịch xã). Qua đó, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Đã thành thông lệ từ nhiều năm qua, sáng ngày 12 hàng tháng, tại Điểm giao dịch xã Quảng Văn thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình lại đầy ắp tiếng cười, nói trao đổi về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách giữa các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với cán bộ NHCSXH thị xã Ba Đồn.

Ngân hàng CSXH thị xã Ba Đồn thực hiện giải ngân, thu lãi, thu nợ, nhận tiền gửi tiết kiệm... hàng tháng ngay tại điểm giao dịch xã Quảng Văn
Ngân hàng CSXH thị xã Ba Đồn thực hiện giải ngân, thu lãi, thu nợ, nhận tiền gửi tiết kiệm... hàng tháng ngay tại điểm giao dịch xã Quảng Văn

Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, hiện nay NHCSXH thị xã Ba Đồn duy trì thường xuyên, ổn định và có hiệu quả 16 Điểm giao dịch xã tại 16 xã, phường trên địa bàn thị xã vào các ngày từ ngày 6 - 20 hàng tháng, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Các hoạt động giao dịch được UBND xã quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm giao dịch đảm bảo an toàn, hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH được đầu tư đến tất cả các xã, phường trong toàn thị xã. Đến nay tổng dư nợ của NHCSXH thị xã Ba Đồn hơn 662 tỷ đồng, với hơn 8.658 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi. Với 16 xã, phường, hiện nay Ngân hàng CSXH thị xã Ba Đồn cũng duy trì hiệu quả hoạt động 16 điểm giao dịch tại 16 xã, phường trên địa bàn thị xã vào các ngày từ ngày 6 - 20 hàng tháng, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Điểm giao dịch xã được bố trí phiên giao dịch vào các ngày cố định trong tháng và có thể bổ sung khi khối lượng công việc phát sinh. Tại mỗi phiên giao dịch, cán bộ NHCSXH trực tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm, đồng thời họp giao ban với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và Tổ trưởng Tổ TK&VV. Để đảm bảo chất lượng, công khai, minh bạch, tại mỗi Điểm giao dịch xã có 3-5 cán bộ, được lắp đặt camera giám sát, máy tính, máy đếm tiền...với tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”. Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của NHCSXH đều được niêm yết công khai, khách hàng thực hiện giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã. Điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, mang đặc thù riêng của NHCSXH, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động của NHCSXH.

Hoạt động của Điểm giao dịch xã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, bởi mô hình vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai, minh bạch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách tại địa bàn.

Nhờ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thị xã./.

Trần Thị Trà Giang (NHCSXH thị xã Ba Đồn)