Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Hiện nay, đang bước vào vụ thu hoạch chính của các loại trái cây, lại đúng vào lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành. Vì thế, việc tiêu thụ nông sản rõ ràng là gặp khó khăn. Việc dùng từ giải cứu hay cách giải cứu như hiện nay cũng gây hiệu ứng ngược, làm giảm giá thành, giá trị hàng hóa nông sản, khiến nhiều nơi bà con lại bị ép giá.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần có biện pháp kết nối cung cầu nội địa tốt hơn. Dù có dịch bệnh Covid-19 hay không thì có thời điểm, hiện tượng cung nông sản vượt cầu vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, thông tin giữa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ nhiều lúc không khớp nhau. Như vậy, câu chuyện kết nối thị trường nội địa đang tồn tại vấn đề bất cân xứng, tạo ra dư thừa một cách cục bộ. Chỗ cần thì không có, chỗ có lại không lưu thông được.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bởi tư duy kinh tế là tư duy thị trường, nếu không nắm được thông tin thị trường trong nước và nước ngoài, chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, cần thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn nữa để nắm bắt được thông tin thị trường, đặc biệt là giữa hợp tác xã với các đơn vị phân phối. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến, năng lực logistics của hợp tác xã, từ đó giúp người dân chủ động tiêu thụ nông sản trong bất kỳ tình huống nào.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Cần có một mô hình kết nối cung - cầu chính quy hơn, vừa giữ được giá trị của nông sản, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người. Do đó, Bộ NN&PTNT cùng 3 tổ chức chính trị xã hội đã xây dựng hình mẫu về kết nối cung - cầu nông sản với những chuẩn mực về chất lượng sản phẩm cũng như quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại cuộc họp, cả 4 đơn vị thống nhất cùng tham gia xây dựng các điểm bán hỗ trợ nông sản, trước mắt là vải thiều cho người nông dân. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng 20 điểm kết nối, tiêu thụ nông sản tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, Hội Phụ nữ xây dựng 5 điểm, Đoàn Thanh niên xây dựng 5 điểm (chưa kể các kênh bán hàng online), Hội Nông dân tiếp tục đưa hàng vào 720 điểm hiện có trên khắp các tỉnh, thành. Tất cả các điểm kết nối đều được gắn logo của 4 đơn vị để tăng tính nhận diện thương hiệu sản phẩm và cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Khẩu hiệu được đưa ra là: Nâng niu giá trị nông sản Việt, san sẻ, kết nối yêu thương vượt qua đại dịch.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với 9 tập đoàn bán lẻ lớn bàn kế hoạch thành lập Hiệp hội tiếp thị tiêu thụ nông sản Việt Nam. Bộ sẽ chủ động cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu đầu cung với quy mô sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn để các trung tâm bán lẻ, tập đoàn phân phối lớn kết nối được dữ liệu đầu cung, từ đó có kế hoạch tiêu thụ chủ động hơn.
Thy Anh (t/h)