Hỗ trợ tiêu thụ nông sản nội địa để giảm áp lực cho xuất khẩu

Nhằm tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, để tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 14 /CT-BCT về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.  Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện một số nội dung quan trọng.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản nội địa để giảm áp lực cho xuất khẩu - Ảnh 1

Ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản

Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước phối hợp Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thị trường mới ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm đầu mối chủ trì, phối hợp các Sở Công Thương địa phương đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử. Hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn (đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch) ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế

Bộ Công Thương giao Cục Xuất nhập khẩu phối hợp hướng dẫn thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Bên cạnh đó, phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải xử lý tình trạng thiếu container rỗng và có giải pháp giảm cước vận tải phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu.

Chủ động phối hợp với các địa phương có cửa khẩu đặc biệt các tỉnh biên giới phía Bắc kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu, bảo đảm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu được thuận lợi.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chủ động trao đổi các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau, trái cây; làm đầu mối phối hợp với các đơn vị chức năng mở cửa thị trường nông sản chính ngạch sang Trung Quốc (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, thủy sản…)…

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, phân phối các mặt hàng nông sản trên địa bàn; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đồng thời phục vụ tối đa nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Cần sự vào cuộc tích cực của địa phương, hiệp hội

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm rất lớn trong việc tiêu thụ nông sản. Do đó, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam;

Phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, phân phối các mặt hàng nông sản trên địa bàn; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…) để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đồng thời phục vụ tối đa nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần;

Đối với các Hiệp hội ngành hàng, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo các thành viên Hiệp hội tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương, chủ động tổng hợp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phân phối ứng phó kịp thời với những biến động bất thường của dịch Covid 19 để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh;

Chỉ đạo, vận động các thành viên Hiệp hội mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, kịp thời phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Chỉ đạo các thành viên Hiệp hội tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trên môi trường số (thương mại điện tử, đi chợ hộ…), để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch bệnh…

Bảo An (t.h)