Hòa Bình: Hoàn thành ‘mục tiêu kép’ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội

Không chỉ đạt được những thành tựu, kết quả vượt bậc giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình còn nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” trong giai đoạn 2021 - 2022 đó là vừa triển khai tốt công tác chống dịch, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Những thành tựu, kết quả nổi bật giai đoạn 2016 - 2020

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình đã khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tích cực huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự.

Kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình ngày càng khởi sắc
Kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình ngày càng khởi sắc

Về kinh tế: Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,5%-9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm bằng khoảng 35% GRDP. Thu ngân sách Nhà nước tăng 17%/năm.

Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 60-65 triệu đồng; cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: Công nghiệp - xây dựng 57,8%, dịch vụ 26,4%, nông nghiệp 15,8%; số doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập, hoạt động có hiệu quả tăng gấp 2 lần so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 3,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 40% trở lên.

Về xã hội: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 60%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55-60%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 20-22%; có 8,5 bác sỹ và 25 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,0%/năm.

Về môi trường: Đến năm 2020, có 95% dân số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 95% chất thải nguy hại, 90-100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng trên 50%.

Hoàn thành ‘mục tiêu kép’

Về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình khẳng định: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc” và phương châm “5K vaccine”, tăng cường ứng dụng công nghệ, đồng thời đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; khẩn trương rà soát, phát hiện, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp người từ vùng có dịch trở về địa phương, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không được hốt hoảng, hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh. Triển khai các đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên và nhiều nhiệm vụ, công tác khác trong phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Tỉnh Hoà Bình quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19
Tỉnh Hoà Bình quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19

Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết thêm, trong 3 tháng cuối năm 2021, tỉnh Hoà Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu, cụm công nghiệp để để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, vừa bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thêm vào đó, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Rà soát, điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ cho các dự án trọng điểm đã có khối lượng thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2021. Tập trung xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước, trong đó tập trung huy động các nguồn thu từ thuế, phí, nguồn thu từ đất, đặc biệt là nguồn đất, bảo đảm thu đúng, đủ theo kế hoạch đã đề ra để huy động nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển; khai thác hiệu quả nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản; quan tâm đôn đốc thu nợ đọng thuế.

Nhóm PV