Năm 2021, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại huyện Cao Phong (Hòa Bình) được triển khai đã đạt được những kết quả nhất định, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển; sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thông, nâng cao thu nhập cho người dân; văn hóa, xã hội, y tế, hỗ trợ giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực.
Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tích cực rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng Nông thôn mới tại 9 xã trên địa bàn huyện. Tính đến nay có 9/9 xã có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn. Có 5/9 xã ban hành quy chế quản lý quy hoạch (Dũng Phong, Nam Phong, Thu Phong, Tây Phong, Bắc Phong), còn lại đang triển khai thực hiện. Trên thực tế, toàn huyện có 9/9 xã đạt tiêu chí quy hoạch.
Cụ thể, về công tác phát triển sản xuất gắn bới tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thông, nâng cao thu nhập cho người dân. Ban chỉ đạo tiến hành thực hiện chủ trương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi huyện Cao Phong đã chỉ đạo chuyển đổi toàn diện trên tất cả các loại cây trồng cả về quy mô diện tích, loại giống, biện pháp khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, thực sự đã mang lại hiệu quả. Trong đó tập trung vào một số cây trồng vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của huyện như cây ăn quả có múi, cây mía, nuôi trồng thủy sản vùng hồ Sông Đà…
Các hình thức tổ chức sản xuất luôn được thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương, các hình thức tổ chức sản xuất phát triển nhanh và đa dạng, hiện nay toàn huyện có 42 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, có một số doanh nghiệp ngoài huyện đầu tư vào nông nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả như Công ty Quang Hà từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, vấn đề phát triển hạ tầng - kinh tế, UBND huyện Cao Phong nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng theo các nhóm tiêu chí, nguồn vốn và căn cứ số liệu cụ thể để thực hiện các công trình chủ yếu như: Công trình giao thông 19 công trình với tổng mức đầu tư là 107.885 triệu đồng, công trình thủy Lợi 05 công trình tổng mức đầu tư 21.390 triệu đồng, công trình dân dụng 11 công trinh trình tổng mức đầu tư 52.040 triệu đồng
Mặt khác, về quá trình nâng cao chất lượng đời sống văn hóa người dân nông thôn. Với tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, công tác thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt kế hoạch đề ra. Trình độ dân trí đã từng bước được nâng lên góp phần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, các công trình văn hóa, thiết chế văn hoá ngày càng nhiều và phục vụ có hiệu quả, nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân. Hiện nay toàn huyện đã có 88/88 nhà văn hoá xóm được xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa; đã có 40 Nhà Văn hoá xóm được trang bị cơ sở vật chất. Việc xây dựng nhà văn hóa xóm bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân trong việc tổ chức các hoạt động tại các xóm, khu dân cư, duy trì thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, hội họp, giáo dục cộng đồng... Do vậy việc xây dựng các công trình hạ tầng nhà văn hóa đã trở thành cầu nối trong cộng đồng tạo ra trong mỗi người dân tình đoàn kết học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau.
Về xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo huyện phụ trách các tiêu chí, phụ trách xã, đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện và hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đề ra trong năm 2021. Huyện đã phấn đấu 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Thu Phong, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Tây Pong) và 04 khu dân cư kiểu mẫu, 04 vườn mẫu. Tuy nhiên nguồn vốn dành cho chương trình còn hạn chế cho nên xã Thu Phong không đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Tây Phong không đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và xóm Bưng 2 không đạt khu dân cư kiểu mẫu trong năm 2021.
Bên cạnh đó, về công tác phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cao Phong được triển khai có hiệu quả với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo đó, huyện đã có 8 sản phẩm OCOP. Trong đó, sản phẩm nước cam tươi lên men, cam quả của HTX Hà Phong, cam quà tặng cao cấp 3T Farm đạt 4 sao; sản phẩm mứt cam, nước cốt cam, trà chanh đào mật ong, rượu cam (HXT Hà Phong), hạt dổi Thạch Yên đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và có sức cạnh tranh cao; có đầy đủ minh chứng về chất lượng sản phẩm như bản tự công bố, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, kết quả kiểm nghiệm, kế hoạch giám sát chất lượng, giấy đủ điều kiện sản xuất…
Trên thực tế còn tồn tại nhiều thách thức đối với công tác triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tuyên truyền có thời điểm chưa tích cực nên một số bộ phận nhân dân chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa xây dựng Nông thôn mới. Vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới còn hạn chế. Đồng thời, giá cả sản phẩm nông nghiệp bấp bênh đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển trồng trọt, khó khăn trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Tiến độ xây dựng Nông thôn mới chưa đồng đều ở các xã, một số chỉ tiêu, tiêu chí kết quả còn rất khiêm tốn.
Theo đó, nhằm duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng Nông thôn mới bền vững và toàn diện, ban chỉ đạo đã đề ra kế hoạch và một số nhiệm vụ trọng tâm giải pháp thực hiện chương trình năm 2022 của huyện Cao Phong là phát triển cở sở hạ tầng thiết yếu; bảo vệ môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả thông tin, đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực…
Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới nhằm phổ biến, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách về xây dựng Nông thôn mới cho cả hệ thống chính trị, mọi người dân nắm vững để chủ động và tự giác tham gia xây dựng Nông thôn mới. Từ đó giúp người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng Nông thôn mới.
Trao đổi với ông Bùi Văn Dán - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Phong cho biết: “Năm 2021 công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt ngay từ đầu năm đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, xã Nông thôn mới kiểu mẫu, Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện xây dựng Nông thôn mới trong toàn huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo huyện phụ trách các tiêu chí, phụ trách xã, đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện và hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đề ra trong năm 2021”.
“Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 huyện Cao Phong tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng xã Nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao...” - ông Dán chi sẻ thêm.
Thu Quỳnh - Phi Long