Hạ tầng giao thông được phát triển khang trang gắn với xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Trong năm 2024, trên địa bàn huyện Cao Phong được triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với những thuận lợi cơ bản là các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế được đẩy mạnh và phát huy tác dụng; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, các hoạt động đầu tư, thương mại gặp không ít khó khăn; thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhất là các dự án trọng điểm của huyện còn nhiều vướng mắc dẫn tới thu tiền sử dụng đất gặp rất nhiều khó khăn; thời tiết diễn biến bất thường rét đậm, rét hại, hạn hán và mưa bão…, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của Nhân dân và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện.
Trong đó, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, của Huyện ủy và Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, linh hoạt, đồng thời ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Các loại cây trồng chính đạt sản lượng và năng suất theo kế hoạch. Các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện các dự án trọng điểm được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường được đẩy mạnh. Văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được chú trọng, thực hiện có hiệu quả. Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tương đối ổn định.
Cụ thể, kết quả thực hiện năm 2024 về các chỉ tiêu kinh tế tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,2%, không đạt kế hoạch; cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, trong đó Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 35,7%; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 33,5%; Dịch vụ, du lịch chiếm 30,8%; thu nhập bình quân đầu người 62 triệu đồng, đạt kế hoạch; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 29.708 triệu đồng (tính đến ngày 02/12/2024), không đạt kế hoạch; tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 7.597 ha, không đạt kế hoạch; tổng diện tích trồng rừng 162,31ha, vượt kế hoạch; tổng diện tích cây có múi 971,55 ha, đạt kế hoạch (chỉ tiêu đã được điều chỉnh tại tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 26/8/2024).
Tập trung phát triển chủ đạo cây ăn quả có múi.
Cam Cao Phong đặc sản nổi tiếng của Hòa Bình.
Về các chỉ tiêu xã hội tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 3,85%, vượt kế hoạch; số người có việc làm tăng thêm 1.617 người, vượt kế hoạch; chưa có thêm trường đạt chuẩn quốc gia, không đạt kế hoạch; số bác sĩ/1 vạn dân: 8,4 bác sĩ, đạt kế hoạch; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dịnh dưỡng thể cân nặng: 5,68%, vượt kế hoạch; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,94%, không đạt kế hoạch; chưa có thêm xã đạt chuẩn nông thôn mới, không đạt kế hoạch; chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, không đạt kế hoạch (chỉ tiêu đã được điều chỉnh tại tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 26/8/2024); Thị trấn Cao Phong chưa đạt chuẩn đô thị văn minh, không đạt kế hoạch; tỷ lệ xóm, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa đạt 87,5%, vượt kế hoạch; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt 87,7%, vượt kế hoạch.
Cùng với đó, về các chỉ tiêu môi trường tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, đạt kế hoạch; tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch đạt 98,5%, vượt kế hoạch; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%, đạt kế hoạch; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 40,02%, vượt kế hoạch; tỷ lệ đô thị hoá đạt 17,1%, không đạt kế hoạch. Về các chỉ tiêu cải cách cách hành chính chỉ số cải cách hành chính (Par index) ước đạt 90 điểm, xếp thứ 5 trong toàn tỉnh, đạt kế hoạch; chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) ước đạt 80 điểm, xếp thứ 5 trong toàn tỉnh, đạt kế hoạch.
Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cao Phong được đẩy mạnh, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm; các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân lồng ghép với công tác giảm nghèo đạt hiệu quả. Đến nay huyện có 08 xã đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, bình quân tiêu chí các xã đạt 18,44 tiêu chí/1 xã.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2024, mặc dù đã rất quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn xã Thạch Yên thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Bắc Phong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, do vậy dự kiến năm 2024 xã Thạch Yên chưa đạt chuẩn nông thôn mới, xã Bắc Phong chưa đạt nông thôn mới nâng cao
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay huyện đạt 4/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới, còn 5 tiêu chí đang thực hiện.
Nỗ lực đột phá trong năm 2025
Năm 2025, huyện Cao Phong tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra; phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2025- 2030; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, trọng tâm là phát triển nông nghiệp, đô thị và thương mại dịch vụ; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền từ huyện đến cơ sở, tập trung hoàn thiện các dự án trọng điểm để khai thác và sử dụng có hiệu quả để hoàn thiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Hạ tầng cơ sở được đầu tư hoàn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Xóm Mừng, xã Hợp Phong (Cao Phong) trở thành điểm đến thu hút khách du lịch dịp đầu Xuân 2025.
Cụ thể, các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 về các chỉ tiêu kinh tế tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5%; cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, trong đó Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 35,1%; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 33,8%; Dịch vụ, du lịch chiếm 31,1%; thu nhập bình quân đầu người 65 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 66 tỷ đồng; tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 7.503 ha; tổng diện tích trồng rừng 100ha; tổng diện tích cây có múi 971,55 ha.
Về các chỉ tiêu xã hội phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,71%; số người có việc làm tăng thêm 1.200 người; có thêm 01 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số 28 trường; số bác sĩ/1 vạn dân 8,9 bác sĩ; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dịnh dưỡng thể cân nặng 7,0%; phấn đấu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,77%; phấn đấu xây dựng thị trấn Cao Phong đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ xóm, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa 77%; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 80%.
Cùng với đó, về các chỉ tiêu môi trường tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 98%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 99,5%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 40%; tỷ lệ đô thị hoá đạt 17,5%. Về các chỉ tiêu cải cách cách hành chính chỉ số cải cách hành chính (Par index) đạt 90 điểm, xếp thứ 5 trong toàn tỉnh; phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) đạt 80 điểm, xếp thứ 5, trong toàn tỉnh.
Chú trọng nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp huyện có lợi thế (như cam quả, mía trắng, mía tím…). Đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện có hiệu quả kế hoạch khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với thị trường tiêu thụ; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ tại nông thôn; chủ động, tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025, vụ hè thu - vụ mùa. Tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả Đề án tái canh cây có múi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng Trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện.
Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại vừa và nhỏ, an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi. Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh vật nuôi. Khuyến cáo các xã, thị trấn tận dụng sản phẩm phụ nông nghiệp để chế biến làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong vụ đông; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân tu sửa chuồng trại, thực hiện tốt công tác phòng chống đói, rét cho trâu, bò, dê. Quản lý đầu tư và khai thác có hiệu quả nguồn thuỷ sản từ diện tích mặt nước ao, hồ toàn huyện. Tăng cường đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến để nuôi trồng thủy sản có giá trị.
Cây mía tím hiện nay trên địa bàn huyện Cao Phong đang là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của bà con nông dân.
Tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn; phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tích cực huy động các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đối với các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao. Phấn đầu năm 2025 có thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Quan tâm hỗ trợ các đối tượng, tổ chức tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh,... tham gia hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương theo Chương trình OCOP, phấn đấu có thêm 03 sản phẩm OCOP...
PHI LONG