Hòa Bình: Huyện Đà Bắc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP để nâng giá trị nông sản địa phương

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là tạo nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Vì vậy, Chương trình OCOP đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP ở huyện Đà Bắc quan tâm triển khai thực hiện. Nhờ đó, qua hơn 3 năm triển khai đến nay Chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn.

Huyện Đà Bắc phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Trung Thành vươn ra thị trường trong nước.
Huyện Đà Bắc phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Trung Thành vươn ra thị trường trong nước.

Trong giai đoạn 2018 - 2022 toàn huyện Đà Bắc có 7 sản phẩm được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm gồm: Rượu ngô Cao Sơn của hộ sản xuất kinh doanh Khương Xuân Thưởng, xóm Sèo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc; Sản phẩm Miến Dong Đà Bắc của HTX Đa nghề Yên Lý - Cao Sơn; sản phẩm Hạt Sachi Omega 3.6.9 rang sấy của HTX Nông nghiệp Hòa Bình, chi nhánh Đà Bắc; Du lịch cộng đồng Đá Bia, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; sản phẩm Rượu thóc Trúc Sơn, xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc; sản phẩm Chè Shan Tuyết Trung Thành của HTX Nam Phương, xóm Thượng, xã Trung Thành; Sản phẩm Thịt lợn bản địa Tân Minh, của HTX Tâm Cương Tân Minh, huyện Đà Bắc.

Được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022, sự khác biệt của thịt  lợn bản địa Tân Minh của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, xã Tân Minh (Đà Bắc) được tạo nên từ giống lợn và cách chăm sóc. Giống lợn đen bản địa được bà con địa phương duy trì, giữ gìn nguồn gen qua thời gian. Sau khi được chọn lọc kỹ lưỡng, những con giống đủ tiêu chuẩn được nuôi thành lợn thương phẩm. Trung bình 1 lứa lợn nuôi từ 7 tháng đến 1 năm, thức ăn chủ yếu là cám nấu từ cây chuối trộn với ngô, sắn. Vì vậy, thịt lợn bản địa Tân Minh có vị thơm, ngậy nhưng không bị ngấy. Đến nay, quy mô nuôi lợn đen của HTX khoảng 200 con/ lứa. Có 25 hộ vệ tinh trong xã ký cam kết với HTX đảm bảo về nguồn giống, quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Bà Hà Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tâm Cương Tân Minh cho biết: HTX đã đầu tư hệ thống lò mổ, các thiết bị bảo quản, máy hút chân không để giữ cho thịt lợn luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm trước khi tiêu thụ được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có mã số, mã vạch. Giá thịt lợn móc hàm khoảng 130.000 đồng/kg, bán lẻ túi hút chân không 150.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ trên 5 tạ lợn thương phẩm.

Không chỉ sản phẩm thịt lợn bản địa Tân Minh, thời gian qua, xác định tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị nông sản nên UBND huyện Đà Bắc đã tập trung chỉ đạo để chuẩn hóa nhóm sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt. Các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của huyện như: miến dong, rượu ngô, hạt sachi, thịt trâu sấy khô, thịt lợn bản địa, trà giảo cổ lam, cá sông Đà... trên địa bàn các xã, thị trấn đều được khảo sát, chủ thể đăng ký đưa vào đề án chung của tỉnh. Hàng năm, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp Hội Nông dân, Hội LHPN, Phòng Văn hóa - thông tin huyện… tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền lồng ghép các nội dung về Chương trình OCOP cho hàng trăm lượt hội viên, chủ thể sản xuất nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình.

Sản phẩm OCOP 3 sao miến dong Đà Bắc của HTX đa ngành nghề Yên Lý, xã Cao Sơn được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sản phẩm OCOP 3 sao miến dong Đà Bắc của HTX đa ngành nghề Yên Lý, xã Cao Sơn được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, sau khi có quyết định phân bổ nguồn kinh phí do tỉnh cấp để hỗ trợ chuẩn hóa, đăng ký các sản phẩm OCOP, UBND huyện phân bổ kinh phí giao Phòng NN&PTNT huyện thực hiện chuẩn hóa sản phẩm. Phòng NN&PTNT huyện chủ động phối hợp các phòng, đơn vị chuyên môn và chủ thể bổ sung những tiêu chí thiếu, đảm bảo sản phẩm đủ điều kiện đạt số điểm cao nhất trong quá trình chấm điểm, phân hạng. Ngoài ra, chỉ đạo tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho  người dân và  thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc cho biết: “Chương trình OCOP của huyện nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, huyện. Công tác tổ chức thực hiện được phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các hoạt động quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm được trú trọng quan tâm. Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 - 4 sao đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên tích cực, chủ động tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên. Các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP từng bước được củng cố, phát triển, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã có độ tuổi còn trẻ, có trình độ, hoạt động nhanh nhạy với cơ chế thị trường. Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và địa phương nên Chương trình OCOP đã lan tỏa rộng khắp, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng chuẩn hóa sản phẩm OCOP nên bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương”.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, bên cạnh những kênh truyền thống, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã linh hoạt bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử nên số lượng sản phẩm tăng nhiều hơn so với thời điểm chưa tham gia chương trình OCOP; Phòng Kinh tế và Hạ tầng và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên kết nối các hội chợ, triển lãm về sản phẩm OCOP cho các cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP; bố trí, sắp xếp các gian hàng OCOP của huyện tại các hội trợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội nghị kết nối, giao thương cung cầu hàng hóa ở trong và ngoài tỉnh, huyện cũng đã xây dựng được điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, huyện khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện làm tặng phẩm cho du khách, làm quà tặng trong các dịp lễ, tết, hội nghị, hội thảo… đã bước đầu mang lại hiệu ứng tốt, giúp chủ thể bán được sản phẩm nhiều hơn.

Đà Bắc xác định tiếp tục đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở huyện nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có ít nhất 6 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên; tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP thông qua việc định hướng phát triển các sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên bản địa, nhất là đặc sản vùng, miền. Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi an toàn thực phẩm. Xác định rõ những sản phẩm lợi thế, có tính cạnh tranh cao, tập trung chuẩn hóa, nâng hạng sản phẩm theo hướng sản phẩm tiềm năng xuất khẩu, khuyến khích các chủ thể tiếp tục đăng ký nâng hạng sao các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao.

Phi Long/ VP Tây Bắc