Trong giai đoạn 2020-2023, huyện đã có rất nhiều loại cây trồng được đưa vào sản xuất áp dụng từ việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ sinh học (CNSH) như: Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo ngon như Việt lai 20, TBR1, TBR 36, Thiên Ưu 8 mới, Thụy Hương 308... và một số giống chất lượng, kháng được một số bệnh hại như: J01, J02, BC15, BC15 kháng đạo ôn, TBR 225 kháng bạc lá... đã được sử dụng rộng rãi trong một số năm gần đây, dần dần thay thế bộ giống cũ năng suất thấp.
Huyện đã áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến trong sản xuất như: Áp dụng công nghệ cao để sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm. Sản xuất trồng trọt sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học, phân bón vi sinh để bón cho các loại cây trồng; sử dụng màng phủ sinh học để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại; xây dựng các nhà lưới để nhân giống và sản xuất nông sản thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng bẫy bả chua ngọt để dẫn dụ côn trùng; sử dụng các chế phẩm sinh học có các loài vi sinh vật có ích để ủ phân xanh, phân chuồng và cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh trong đất và tránh làm hại đến cây trồng.
Việc ứng dụng CNC, CNSH vào sản xuất trong nông nghiệp là rất lớn, làm thay đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất quy mô hơn mang tính hàng hóa. Nhận thức của người dân được nâng cao, thu nhập cũng từ đó tăng lên. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, như: Chi phí đầu tư CNC cao; việc ứng dụng CNC đòi hỏi trình độ cao, trong khi đó lao động địa phương còn hạn chế về tiếp thu các kiến thức, quy trình công nghệ mới còn hạn chế…
Thời gian tới, để phát triển việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, UBND huyện Lương Sơn đề xuất UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách thu hút doanh nghiệp, lao động có trình độ cao đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ cơ giới hóa, tự động hóa liên kết sản xuất nông nghiệp, nông thôn; có chính sách thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch đã được phê duyệt; Chính sách hỗ trợ để khuyến khích các HTX, Tổ hợp tác, làng nghề, sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực của địa phương ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Văn Hiếu /VPTB