Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, huyện Mai Châu có nhiều dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 60%. Cùng với niềm tự hào nghệ thuật xoè Thái trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, cộng đồng người Thái nơi đây cùng chung tay gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của di sản.
Khi đến các bản du lịch cộng đồng thị trấn Mai Châu, gồm các xã Chiềng Châu, Mai Hịch, Xăm Khoè, Nà Phòn…, bên cạnh trải nghiệm cuộc sống thanh bình, cảnh sắc thơ mộng, thưởng thức ẩm thực địa phương, du khách sẽ cảm thấy hẫng hụt nếu không được xem thực hành xoè Thái. Anh Hoàng Văn Đoàn, du khách đến từ thủ đô Hà Nội lưu trú tại bản Lác, xã Chiềng Châu, vui vẻ cho biết: “Về tới bản Lác đoàn chúng tôi đã dùng bữa tối và xem chương trình văn nghệ trong không gian nhà sàn dân tộc Thái. Khi màn biểu diễn cuối cùng là xoè Thái, chúng tôi thực sự hân hoan, dâng trào cảm xúc vui tươi, đoàn kết khi tham gia nối vòng xoè và cùng nhau nhảy sạp Tây Bắc”.
Cũng giống như những cộng đồng người Thái ở Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… cộng đồng người Thái trên địa bàn huyện Mai Châu còn lưu giữ được nhiều điệu xoè, có 3 hình thức chính: xoè nghi lễ, xoè biểu diễn và xoè vòng. Với xoè nghi lễ thường xuất hiện trong các lễ hội cộng đồng như Xên bản, xên mường, lễ hội cầu mưa, xuống đồng, các nghi lễ trong phạm vi gia đình như lễ cúng tổ tiên, tang ma... Xoè nghi lễ thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với trời đất, các vị thần linh, những người đã tạo ra bản, ra mường và phù hộ cho dân bản được ấm no, hạnh phúc, an lành. Xoè biểu diễn là các hình thức xoè văn nghệ, được trình diễn dưới dạng sân khấu, chủ yếu đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Đặc biệt, hình thức xoè này thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ, như: xoè khăn, xoè nón, xoè quạt, xoè sạp, xoè gậy, xoè chai, xoè nhạc… Còn xoè vòng là hình thức xoè tập thể theo vòng tròn không giới hạn số người tham gia. Các vòng tròn có thể mở rộng, nối dài linh hoạt hoặc có thể tách thành nhiều vòng xoè đồng tâm quay quanh một "tâm xoè” là hũ rượu cần hoặc một đống lửa. Xoè vòng không có người biểu diễn và người xem, bất cứ ai cũng có thể tham gia, thường được diễn ra vào lúc kết thúc sự kiện, lễ hội, các cuộc vui hay trong sinh hoạt đời thường, như: ngày lễ, sinh nhật, tân gia, cưới xin…
Anh Vì Quốc Tịnh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mai Hịch (Mai Châu) cho biết: “Nằm ở phía Tây Nam của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, xã Mai Hịch có 85% dân số là người Thái. Bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào Thái vẫn được gìn giữ qua nếp nhà sàn, trang phục, ngôn ngữ và tình cảm mến khách. Kết hợp với những giá trị văn hóa, người dân địa phương đã khai thác lợi thế khác từ cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch... và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm giữ vững vị thế điểm đến du lịch cộng đồng hút khách, có thêm nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hoá địa phương”.
Chị Hà Thị Thi, thôn Nà Chiềng, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, chủ cửa hàng bán các đồ lưu niệm vải thổ cẩm truyền thống chia sẻ: "Nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống đồng bào dân tộc Thái đã đi cùng nhiều thế hệ người dân nơi đây, khi du khách đến bản Lác tham quan có thể thuê hoặc mua áo để trải nghiệm, hay những món quà lưu niệm của bà con dân tộc Thái nơi đây làm ra".
Theo UBND huyện Mai Châu, công tác thu hút đầu tư vào du lịch huyện này đang có nhiều khởi sắc với 11 dự án du lịch, thương mại được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 846 tỷ đồng.
Huyện Mai Châu hiện có 07 điểm du lịch cộng đồng gồm Bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Bước (xã Xăm Khòe), bản Văn, bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu), bản Hịch (xã Mai Hịch), bản Pà Cò (xã Pà Cò) và bản Hang Kia (xã Hang Kia), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Avana Resort, Mai Chau Lodge, Mai Châu Ecolodge, Ba Khan village Resort, Mai Chau Hideaway Resort... đã góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, thu hút đối tượng khách du lịch có mức chi trả cao, tăng doanh thu. Tổng du khách trong và ngoài nước năm 2022 ước đón 524.000 lượt, doanh thu ước đạt 598 tỷ đồng.
Huyện Mai Châu là địa phương được chọn xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng, bà Hà Thị Liễu, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mai Châu cho biết: Xoè là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào Thái, thấm đượm trong lời ca, câu hát ngân vang giữa núi rừng Tây Bắc "Không xoè, không vui; Không xoè, cây ngô không ra bắp; Không xoè, cây lúa không trổ bông; Không xoè, hoa tàn héo; Không xoè, trai gái không thành đôi”. Cho đến ngày nay, xoè vẫn có mặt thường xuyên trong những sự kiện, lễ hội, các cuộc vui hay trong các hình thức sinh hoạt đời thường ở xóm, bản. Đặc biệt, xoè còn là sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn gắn với phát triển du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, bà Liễu cho biết thêm, những năm gần đây, cùng với niềm tự hào, để phát huy giá trị tốt đẹp của di sản, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản gắn với các hoạt động bảo tồn văn hoá, kích cầu du lịch; tổ chức các lễ hội, hội thi, chương trình giao lưu văn hoá tạo nhiều cơ hội thực hành xoè Thái trong Nhân dân. Tăng cường hoạt động trao truyền di sản trong cộng đồng; chú trọng khai thác, phát huy các giá trị văn hoá, nghệ thuật của xoè Thái trong phát triển du lịch, hình thức sản phẩm văn hoá trong du lịch cộng đồng, trong các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch địa phương, tạo việc làm và nguồn thu nhập. Tiếp tục xây dựng xoè Thái trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, làm thương hiệu trong các lễ hội lớn.
Được biết, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mai Châu, người dân cũng tích cực, chủ động gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau. Điều này chính là tiền đề, thuận lợi rất lớn để trong thời gian tới, huyện Mai Châu làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn.
PHI LONG /VP TÂY BẮC