Hòa Bình: Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao

Từ nhiều năm nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp như nuôi cá lồng, trồng cây ăn quả có múi, sản xuất rau hữu cơ... đang là hướng đi bền vững của nhiều Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Những mô hình tiêu biểu này đều được các ban ngành, đơn vị sự nghiệp của địa phương tích cực hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển ngành nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhắc đến tỉnh Hòa Bình thì hầu hết mọi người đều nghĩ đến thủy điện Hòa Bình, một công trình thế kỷ trên dòng sông Đà với vẻ đẹp hùng vĩ. Bên cạnh, nguồn lợi về thủy điện, đập thủy điện Hòa Bình còn tạo nên một trong những hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam - đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Lòng hồ thủy điện Hòa Bình mang nhiều lợi thế trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Lòng hồ thủy điện Hòa Bình mang nhiều lợi thế trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình của Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng ở phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có quy mô khoảng 200 lồng nuôi với thể tích 21.600 m3; Công ty là doanh nghiệp nuôi cá lồng quy mô lớn trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Các loài cá được công ty nuôi chủ yếu là trắm đen, lăng vàng, lăng đen, lăng đuôi đỏ, chép giòn, rô phi...

Bà Dung – đại diện Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng chia sẻ với Phóng viên.
Bà Dung – đại diện Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng chia sẻ với Phóng viên.

Bà Dung – đại diện Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng chia sẻ: Để khai thác tiềm năng kinh tế từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Công ty đã triển khai nhiều hoạt động đầu tư, liên kết nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo ATVSTP đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Công ty nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, đơn vị sự nghiệp của tỉnh Hòa Bình trong hoạt động sản xuất, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm...; đặc biệt, vào tháng 10/2023, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khai mạc Lễ hội Cá tôm sông Đà lần thứ nhất và phía Công ty cũng đã có những hoạt động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình tại sự kiện nhằm đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu cá tôm sông Đà.

Theo đó, với sự kiện khai mạc Lễ hội Cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã tham mưu tổ chức và phối hợp cùng nhiều cơ quan, đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện thành công lễ hội. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình cũng đã tổ chức thành công hội nghị tọa đàm khuyến nông Nông nghiệp chuyên ngành thủy sản chủ đề “Giải pháp bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà”...

Cá lồng được nuôi trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Cá lồng được nuôi trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Hiện nay, các sản phẩm cá, tôm sông Đà đã xây dựng được thương hiệu và nổi tiếng khắp cả nước, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Đồng thời, việc nuôi trồng thủy sản trên sông Đà tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Cùng với phát triển nuôi cá lồng, tỉnh Hòa Bình còn có nhiều lợi thế trong việc trồng cây ăn quả có múi như cây cam, cây bưởi. Thời gian qua, ở HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động có địa chỉ tại xóm Bãi Chạo thuộc xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi đang đẩy mạnh những mô hình trồng cây ăn quả có múi cho hiệu quả kinh tế cao.

HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động có địa chỉ tại xóm Bãi Chạo thuộc xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi đang đẩy mạnh mô hình trồng cây ăn quả có múi cho hiệu quả kinh tế cao.
HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động có địa chỉ tại xóm Bãi Chạo thuộc xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi đang đẩy mạnh mô hình trồng cây ăn quả có múi cho hiệu quả kinh tế cao.

HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động được thành lập năm 2014 với 26 thành viên liên kết, có diện tích hơn 100 ha. Các sản phẩm của HTX chủ yếu là cam, bưởi được trồng và chăm sóc theo quy trình hữu cơ, đảm bảo ATVSTP.

Ông Nguyễn Trung Huân - Giám đốc HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động giới thiệu quy trình chăm sóc cây cam.
Ông Nguyễn Trung Huân - Giám đốc HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động giới thiệu quy trình chăm sóc cây cam.

Ông Nguyễn Trung Huân - Giám đốc HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động cho biết: Những năm qua, HTX đã và đang tạo dựng thương hiệu cam Mường Động, sản phẩm chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022. Vụ vừa qua, HTX đã thu được trên 100 tấn quả cam, bưởi bán với giá trung bình 15.000 đồng/kg thu trên 1,5 tỷ đồng.

Với cây cam, các thành viên trong HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động đã có thu nhập ổn định trong từng vụ.
Với cây cam, các thành viên trong HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động đã có thu nhập ổn định trong từng vụ.

“Riêng gia đình có hơn 8ha cam các loại, vụ vừa qua thu trên 40 tấn quả, thu nhập hơn 600 triệu đồng. Nhờ cây cam, các thành viên trong HTX không những có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khá lên mà còn tạo dựng được thương hiệu cam Mường Động riêng của địa phương; với những kết quả đó cũng một phần quan trọng nhờ vào công tác phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện Kim Bôi và tỉnh Hòa Bình, trong đó có Trung tâm Khuyến nông...”, ông Huân chia sẻ thêm.

Mô hình sản xuất rau hữu cơ của Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa thuộc xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Mô hình sản xuất rau hữu cơ của Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa thuộc xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Nói về mô hình sản xuất rau hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu phải kể đến Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa thuộc xã Cư Yên, huyện Lương Sơn đến nay đã có 10 năm sản xuất mô hình trồng rau sạch, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho khoảng 18 thành viên với mức thu nhập ổn định theo từng tháng.

Đại diện Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa chị Hoàng Bích Thùy nói về quá trình hình thành tổ hợp tác.
Đại diện Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa chị Hoàng Bích Thùy nói về quá trình hình thành tổ hợp tác.

Đại diện Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa chị Hoàng Bích Thùy nói về quá trình hình thành tổ hợp tác: “Tổ hợp tác rau của chúng tôi được thành lập từ năm 2014, bắt nguồn từ những hộ gia đình sản xuất nông nghiệp hay còn gọi là kinh tế hộ gia đình; trước đây các hộ gia đình chủ động sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình... Đến khi được các cấp chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn để bổ sung kiến thức về trồng rau hữu cơ, cùng với sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình, Hội Nông dân... thì bà con mới gom đất vào để cùng nhau sản xuất rau hữu cơ theo mô hình Tổ hợp tác”.

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình thực hiện chức năng sự nghiệp khoa học, chuyển giao phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm điển hình tiên tiến đến tận người sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Cùng với đó là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp các thông tin về thị trường hàng hóa nông, lâm, ngư cho nông dân và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư trên địa bàn.

Những năm qua, Trung tâm luôn bám sát chủ trương, sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất. Chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ khuyến nông viên các cấp đôn đốc người dân, các đơn vị sản xuất nông nghiệp chăm sóc lúa và hoa màu, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Nhóm PV VP Tây Bắc