Diện mạo nông thôn và đời sống của người dân nơi đây đang từng ngày thay đổi nhờ hiệu quá kinh tế của cây bưởi Diễn. Thành quả đó gắn liền với ông Phạm Thừa Dũng, người tiên phong đưa cây bưởi Diễn về đồng đất Đại Đồng. Sinh ra và lớn lên ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội), năm 1995, ông Dũng và gia đình chuyển đến sinh sống ở xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương. Một năm sau, ông Dũng đưa 50 cây bưởi Diễn về trồng thử trên vùng đất mới. Sau một thời gian chăm sóc, nhận thấy cây bưởi Diễn sinh trưởng, phát triển tốt, khá phù hợp với đồng đất ở đây nên năm 1997, ông Dũng tiếp tục trồng thêm 100 cây. Đến nay, cây bưởi Diễn ông Dũng đưa về trồng ngày nào đã gắn bó với vùng đất Đại Đồng gần 30 năm. Những cây bưởi Diễn đã cho những mùa vàng bội thu, được các tư thương trong và ngoài huyện đánh giá là một trong những vườn bưởi ngon nhất huyện Yên Thủy.
Năm 2015, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Yên Thủy theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, xã Ngọc Lương vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá bỏ vườn tạp, chuyển toàn bộ diện tích sang trồng bưởi Diễn. Hiện, toàn xóm Đại Đồng có khoảng 40 ha bưởi Diễn, trong đó có 31 ha của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đại Đồng được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, New Zealad.
Anh Nguyễn Đức Bình (thành viên Hợp tác xã Đại Đồng) cho biết: “Tôi là một trong những người đầu tiên trồng bưởi diễn ở xóm Đại Đồng, từ những năm 1998 - 2000, bưởi diễn được những người dân gốc ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) như tôi mang về Đại Đồng trồng. Sau một thời gian chăm sóc, thấy cây bưởi Diễn hợp đất, phát triển tốt, cho quả thơm ngon, mọng nước, giá bán cao, có hiệu quả kinh tế hơn so với các loại cây trồng khác nên bà con rủ nhau nhân rộng diện tích trồng bưởi Diễn ở Đại Đồng”.
Theo anh Bình, gia đình anh khi mới lên Đại Đồng lập nghiệp vô cùng khó khăn, quanh năm chỉ biết trồng lúa, nuôi con gà, con lợn… làm đủ thứ nghề mà chẳng đủ ăn. Từ khi trồng bưởi Diễn, gia đình anh có thu nhập ổn định, xây được ngôi nhà khang trang trị giá gần 500 triệu đồng. Hiện nhà anh Bình có hơn 1ha trồng bưởi Diễn với 450 gốc, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.
Còn ông Vũ Xuân Oanh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng chia sẻ: “Năm 2015, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng được thành lập với 62 thành viên, cùng nhau liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi Diễn, hỗ trợ bao tiêu đầu ra sản phẩm. Đến nay, Hợp tác xã còn 28 thành viên với khoảng 30ha trồng bưởi Diễn, cho sản lượng khoảng 780 tấn/năm, tiêu thụ tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh…”.
Ông Oanh cũng cho biết, từ khi tham gia vào hợp tác xã, bà con không những được hỗ trợ vay vốn sản xuất mà còn được hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật chăm sóc, trồng cây bưởi Diễn. Đặc biệt, không còn nỗi lo về đầu ra sản phẩm vì có thương lái vào thu mua tận nơi tại vườn, thậm chí có khách hàng còn đặt trước cả cây làm quà biếu. Hiện tại, hợp tác xã không có thành viên nào là hộ nghèo, mỗi hộ đều có hơn 1ha trồng bưởi, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm. Năm 2020, bưởi Diễn của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Năm 2022, huyện Yên Thủy phối hợp Sở NN&PTNT, Công ty cổ phần RYB xuất khẩu 9.600 quả bưởi Diễn sang thị trường Anh quốc. Năm 2023, theo kế hoạch, HTX nông nghiệp Đại Đồng xuất khẩu 50.000 quả bưởi sang thị trường Anh, Mỹ… Đây là cơ hội rất lớn nâng cao giá trị quả bưởi Diễn trên đồng đất Yên Thủy. Bưởi Diễn Đại Đồng đã, đang khẳng định được vị thế sản phẩm, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển bền vững.
Ông Bùi Văn Phương - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lương cho biết, toàn xã hiện có hơn 140ha diện tích trồng bưởi, việc xây dựng thương hiệu bưởi Đại Đồng, hướng tới xuất khẩu bền vững là bước đột phá, tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm. Thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã sẽ vận động người dân hướng tới xây dựng các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm sạch hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi của huyện Yên Thủy. Việc xây dựng, phát triển vùng cây ăn quả có múi, trong đó có cây bưởi là một hướng đi đúng của xã Ngọc Lương nói riêng, huyện Yên Thủy nói chung. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
PHI LONG/VPTB