Ngược những con dốc quanh co theo triền núi, chúng tôi tìm đến bản Chà Đáy, nơi được coi là thủ phủ của cây chè cổ thụ Pà Cò. Ông Khà A Gia, một người sống nhiều năm ở Pà Cò cho biết, những gốc chè ở đất Pà Cò này ngày trước là của người Thái Bao La nuôi dưỡng, đến khi họ không ở nữa mới truyền lại cho người Mông giữ. Người ta từng ghi nhận, cách đây hơn 100 năm, Lefevre Pontalis, một nhà thám hiểm người Pháp đã tiến hành một cuộc khảo sát về sản xuất và buôn bán chè giữa sông Đà ở miền núi phía Bắc Việt Nam, từ Hà Nội qua chợ Bờ (Hoà Bình), Mộc Châu, Lai Châu, Mường Tè rồi sang Trung Quốc. Biết đâu đấy, thứ chè tuyết đặc sản Pà Cò kia chẳng đã theo chân những thương nhân đến những vùng, miền xa xôi.
Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền cho biết, hiếm có loại trà nào lại đạt được độ sạch và độ an toàn như trà Shan tuyết. 100% những búp chè shan tuyết được chọn lọc từ những cây chè cổ thụ nằm trên độ cao 1200m so với mực nước biển của đồi chè cổ thụ Hòa Bình.
Theo bà Tâm, những cây chè shan tuyết cổ thụ ở Pà Cò sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên, không chịu bất cứ sự tác động chăm bón nào của con người. Từng búp chè được bà con H'Mong lựa chọn tỉ mỉ trên những cây chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời trên dưới 200 tuổi và nằm ở độ cao trên 1200m so với mực nước biển.
Cái thứ đặc sản của độ cao, của sương núi Pà Cò kia cũng phải trải qua một thời kỳ gian khó. Phần vì không biết chế biến, không có người thu mua nhưng chủ yếu là vì cây thuốc phiện. Người Mông lúc đó chỉ nhìn thấy cái lợi từ cây hoa anh túc nên đua nhau chặt phá cây chè chẳng tiếc tay. Có nhiều cây đến vài người ôm cũng bị đốn bật gốc. Sau này, cơ quan ĐC -ĐC khôi phục lại cây chè Shan tuyết ở Pà Cò theo kiểu trồng rừng phòng hộ được 130 ha, trồng tập trung cỡ 10 ha nhưng cũng chẳng thành công cho lắm bởi chè bị cỏ mọc lấn lướt, mùa khô bị trâu, bò phá hại ngốn cả ngọn lẫn búp. Thêm vào đó, đầu ra cho cây chè không có, những nhà trồng chè chẳng buồn thu hái mà có thu hái để uống trong gia đình, không thể bán được.
Tưởng cây chè Pà Cò sẽ mãi bị lãng quên nhưng có một con người đã nhìn ra một hướng làm giàu từ một đặc sản khác dù còn tiềm ẩn là chè Shan tuyết. Lúc ấy, ông Đỗ Minh Hoà - Phó giám đốc Cty Phương Huyền sau nhiều lần lăn lộn ở Pà Cò mới quyết định đầu tư máy móc, nhà xưởng ở đây, chuyên tâm chế biến chè, kinh phí đầu tư trên 1 tỉ đồng, trong đó vốn vay cỡ 400 triệu đồng. Năm 2006, ông đăng ký thương hiệu Chè Shan tuyết Pà Cò. Xưởng lập tại chính bản Chà Đáy, công nhân hoàn toàn thuê người địa phương. Thời gian đầu, công việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Suốt ba năm (từ 2005 -2007), ông cùng anh em phải đến từng nhà, thuyết phục từng người. Sùng A Pha (nay là Phó giám đốc xưởng chế biến chè) nhớ lại: Tôi là người đi thuyết phục nhưng bà con không nghe. Mình phải xung phong làm trước rồi tổ chức nhiều đoàn, đưa cả cán bộ lẫn người dân đi tận Mộc Châu (Sơn La) để tận mắt nhìn, tận tay sờ mới thuyết phục được.
Nhà anh Pha giờ đây có 2/3 diện tích chè đã cho thu hoạch. Các nhà như Sùng A Sía ở Chà Đáy có 30 cây chè cổ thụ, nhà Sùng A Phai ở Xà Lĩnh có 94 cây cổ thụ cũng cho thu đều đều. Bình quân một cây chè cổ thụ thu được cỡ từ 20-30 kg búp mỗi đợt. Mỗi kg chè Shan công nghiệp (trồng mật độ dày) được thu mua 6.000 đồng, chè cổ thụ được 8.000 đồng. Giờ Chà Đáy có 70 hộ nhận làm chè, ở Xà Lĩnh có 40 hộ nhận và được bao tiêu hết. Sau nhiều năm đầu tư hàng tỷ đồng, Công ty TNHH Phương Huyền đã xây dựng được hệ thống nhà xưởng sản xuất và chế biến. Đồng thời, triển khai nhân giống chè Shan tuyết cung cấp cho người Mông Pà Cò trồng mới hàng chục ha. Hơn 1.200 cây chè cổ thụ có tuổi từ 200 - 300 năm ở Pà Cò giờ được đánh số bảo vệ và chăm sóc kỹ lưỡng.
Hiện nay, xã Pà Cò có khoảng 115 ha chè shan với khoảng 1.250 gốc chè cổ thụ, trong đó 85% đang cho thu hoạch ổn định với sản lượng ước đạt 160 tấn/năm. Theo quy hoạch, sản lượng chè của Pà Cò đến năm 2020 ước đạ 300 tấn/năm búp tươi.
Để khai thác tiềm năng của cây trà, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt dự án đầu tư công trình hỗ trợ xây dựng xưởng chế biến chè Shan tuyết xã Pà Cò huyện Mai Châu. Nhà xưởng có công suất thiết kế 5 tấn búp tươi/ngày, đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2019 với hệ thống máy sào, máy vò chè, máy sàng tơi, máy sấy vỉ, lò đốt… đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm.
Cho đến nay, huyện Mai Châu cũng như xã Pà Cò xác định cây chè là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chỉ đáp ứng từ 30 – 50% công suất. Với tín hiệu tích cực từ thị trường, nhiều hộ gia đình đang mở rộng diện tích trồng chè shan, tăng thu nhập, phát triển kinh tế của xã miền núi cao của tỉnh Hòa Bình.
Đức Lâm/ VP Tây Bắc