Hòa Bình: Tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao

Sau khi Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Hòa Bình đã sớm ban hành Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các vùng và khu sản xuất trồng trọt tập trung đã được các huyện, thành phố rà soát, điều tra, đánh giá cụ thể và có sự thống nhất về phương án tổ chức thực hiện với cơ sở.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giúp Hòa Bình đạt được nhiều thành tựu.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giúp Hòa Bình đạt được nhiều thành tựu.

Trong giai đoạn 2020-2023, việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt đã đạt được một số kết quả cụ thể: Đã đưa vào vận hành phần mềm quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng tại địa chỉ https://quanlysaubenhhoabinh.com/public/index và phần mềm bản đồ thổ nhưỡng và phân tích thích nghi đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tại địa chỉ https://datnongnghiep.hoabinh.gov.vn/public/bando.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, nâng cao hiệu quả sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng (MSVT) trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý MSVT quốc gia.  Đến nay, tỉnh đã cấp và quản lý 30 mã số vùng trồng.

Hòa Bình đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ tự động trong sản xuất. Sử dụng các giống ngô biến đổi gen như NK4300 Bt/Gt, DK6919S, DK9955S, NK7328 Bt/Gt... nhằm tăng năng suất và hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu tại các vùng trồng ngô trọng điểm cẩu tỉnh, quy mô sử dụng khoảng 5.000 ha.

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây có múi sạch bệnh và nhân giống trong nhà lưới 3 cấp ngăn chặn các dịch hại nguy hiểm, sản xuất giống phục vụ nhu cầu giống thực hiện Đề án tái canh cây có múi tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhiều hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, các mô hình, dự án đòi hỏi phải được triển khai trên quy mô lớn, cùng với đó là việc đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghệ tương xứng. Cơ sở hạ tầng tại các khu sản xuất hiện nay còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng với nhu cầu sản xuất công nghệ cao. Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao còn thiếu đồng bộ, chưa trọng tâm, trọng điểm, khó vận dụng và tổ chức thực hiện trong thực tiễn; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chưa thực sự thu hút hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Đội ngũ kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp tại cơ sở còn thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao chưa đáp ứng được yêu cầu.

Từ nay đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2025, Hòa Bình sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phổ biến, nhân rộng các kết quả nghiên cứu, ứng dụng, mô hình công nghệ cao trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, internet... Đẩy mạnh và triển khai ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt góp phần tự động hóa quá trình sản xuất.

Văn Hiếu/VPTB