Hòa Bình: Tập trung phát triển thương hiệu chè Sông Bôi vươn xa

Hòa Bình là địa phương có điều kiện khí hậu thuân lợi, thổ nhưỡng tốt, rất thích hợp cho việc trồng và phát triển sản phẩm chè Sông Bôi. Hiện trên địa bàn huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đang bước đầu hình thành những vùng sản xuất mang tính hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác sản phẩm chè của địa phương.

Tập trung phát triển, tạo chỗ đứng vững cho thương hiệu chè Sông Bôi.
Tập trung phát triển, tạo chỗ đứng vững cho thương hiệu chè Sông Bôi.

Sản phẩm chè Sông Bôi của huyện Lạc Thủy  được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu theo Quyết định số 34150/QĐ-SHTT, ngày 25/4/2022. Đây là niềm vui không chỉ đối với người sản xuất, kinh doanh nói riêng mà còn là của người dân Lạc Thuỷ nói chung. Việc xây dựng, triển khai và đăng ký thành công nhãn hiệu sẽ tạo điều kiện để thương hiệu chè Sông Bôi ngày càng vươn xa, đưa cây chè trở thành cây có giá trị kinh tế cao của huyện.

Cụ thể, toàn huyện hiện có hơn 226,5 ha chè, sản lượng trên 22 tấn/ha/năm, với khoảng 500 hộ tham gia trồng chè, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Chè được trồng tập trung ở các xã: Phú Thành, Phú Nghĩa, Đồng Tâm...

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiện, huyện Lạc Thủy đang khôi phục lại vùng trồng chè, nâng cao chất lượng cây chè. Trong đó phải kể đến việc chuyển biến phương thức canh tác của bà con, đầu tư thâm canh, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng tăng...Đặc biệt, chú trọng sử dụng thuốc bảo (BVTV) vệ thực vật an toàn, huyện áp dụng khá tốt nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc BVTV (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách).

Sản phẩm chè Sông Bôi của Công ty TNHH 2 thành viên Sông Bôi Thăng Long đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh.
Sản phẩm chè Sông Bôi của Công ty TNHH 2 thành viên Sông Bôi Thăng Long đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh.

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, cây chè được trồng trên vùng đất sông Bôi - nơi có khí hậu ôn hòa, điều kiện thổ nhưỡng thích hợp. Sản phẩm chè sau khi được sấy khô trở thành thức uống quen thuộc hàng ngày, cung cấp nhiều loại vitamin và dưỡng chất, đồng thời là thứ quà không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện quan trọng của địa phương.

Muốn có sản phẩm chè ngon, việc lựa chọn giống cây chè rất quan trọng. Sau nhiều năm chọn lọc, nghiên cứu, từ năm 2006, giống chè mới LDP1 được thử nghiệm thành công và nhân ra diện rộng ở Lạc Thủy. Đây là giống chè có ưu điểm nổi trội, phù hợp đồng đất, khí hậu nơi đây, khả năng sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt. Đến nay, diện tích chè của công ty phát triển lên 250 ha, trồng tập trung ở các xã Phú Thành, Phú Nghĩa, Đồng Tâm và thị trấn Chi Nê, với khoảng 500 hộ tham gia trồng chè, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Bình quân 1 năm, công ty sản xuất được 130 tấn chè khô, giá bán bình quân 100 nghìn đồng/kg, cho doanh thu 13 tỷ đồng. Thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Hồng Kông, Hàn Quốc và các nước Đông Âu.

Để chè Sông Bôi đạt đến sự tinh túy, những búp chè tươi sau khi hái được xào đầu (héo nhẹ), nhằm làm giảm đi một lượng ẩm nhất định, làm đọt chè mềm mại hơn, tạo thuận lợi cho quá trình diệt men tiếp theo được triệt để. Chè được vò kỹ, sấy khô. Việc sấy chè được thực hiện sau khi vò chè nhằm làm giảm lượng nước trong chè đến độ ẩm cần thiết, cố định một phần độ xoăn của cánh chè sau khi vò, đồng thời góp phần tăng hương thơm cho chè thành phẩm. Cuối cùng, chè được sàng, tách, thu sản phẩm chè đạt chất lượng để đóng gói. Quy cách đóng gói trong bao bì hộp giấy 100 g, 200 g và 500 g, sản phẩm chè Sông Bôi đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Phát triển thương hiệu chè Sông Bôi.
Phát triển thương hiệu chè Sông Bôi.

Mặc dù đã có những đánh giá tốt về chất lượng cho cây chè của huyện, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng của giống, sản phẩm chưa có đầu ra bền vững dẫn đến thu nhập của người sản xuất chưa cao. Mặt khác, chè Lạc Thuỷ chưa tạo lập, xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận nên giá trị sản xuất thấp, khó khăn trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như ngoài nước thấp hơn so với sản phẩm cùng loại.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng diện tích trồng chè góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, huyện tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Chè Sông Bôi”. Theo đó, huyện xây dựng hệ thống văn bản quản lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu "Chè Sông Bôi” từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm…

Bà Hoàng Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm nông nghiệp là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện cũng như của tỉnh. Tính đến nay, huyện có 5 sản phẩm nông nghiệp được cấp nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận là cam, gà, dê, na, chè. Để bảo vệ và phát huy giá trị của thương hiệu "Chè Sông Bôi", trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để khẳng định được vị thế của sản phẩm "Chè Sông Bôi" đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Vũ Cừ - Minh Đông/ VP Tây Bắc