Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu (đêm trăng tròn đầu tiên của một năm mới), hay Thượng nguyên (cầu thiên quan giáng phúc). Năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào chủ nhật, ngày 5/2 dương lịch. Người dân thường sắm sửa lễ vật, hương hoa (chủ yếu đồ chay) để dâng cúng Phật và gia tiên nhằm bày tỏ tấm lòng biết ơn thành kính, cầu mong một năm mới thật nhiều may mắn và thuận lợi.
Với quan niệm dân gian "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", nhu cầu mua sắm đồ lễ vào dịp này tăng đột biến, đặc biệt là các loại hoa tươi. Trên ban thờ ngày Rằm tháng Giêng không thể thiếu hoa tươi. Thay vì các loại hoa “sang chảnh” như hoa lan, hoa ly, hoa hồng, hoa lay ơn.., nhiều người lựa chọn các loại “hoa quê” như hoa bưởi, hoa cau, hoa huệ về dâng lễ Phật và cúng gia tiên.
Năm nay, hoa bưởi rất đắt khách dịp rằm tháng Giêng, hoa bưởi được nhiều người săn đón dịp Rằm tháng Giêng dù giá lên tới 300.000 – 350.000 đồng/kg. Những ngày này, dọc các tuyến phố Xã Đàn, Thanh Niên, chợ Đồng Xuân… hoa bưởi được bày bán nhiều nhất.
Chị Thu Hương (Thanh Oai, Hà Nội) - một người bán hoa bưởi rong tại chợ Đồng Xuân - cho biết, hầu hết hoa bưởi được nhập từ các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Thái Bình bởi hoa ở đây bông to, màu đẹp, hương thơm.
“Cận Rằm, người dân đi mua hoa bưởi về bày ban thờ và đi lễ chùa đầu năm nhiều hơn nên cứ chăm chỉ đạp xe quanh các phố cũng bán được 10–15kg/ngày. Hoa được bán với giá 30.000 đồng/lạng nguyên cành, hoa rời thì 200.000 đồng/kg", chị Hương nói.
Hương hoa bưởi thơm ngát, màu sắc trắng nhã nhặn làm say lòng người. Một bó hoa bưởi đẹp để cúng Rằm phải có đủ cả nụ và hoa và lá phải tươi.
Không chỉ hoa bưởi, đào nở muộn cũng được nhiều người săn đón. Thời tiết rét đậm khiến nhiều vườn hoa đào ở Nhật Tân, Phú Thượng (quận Tây Hồ), Vân Tảo (Thường Tín) hay Văn Khê (Mê Linh) bật nụ, bung hoa quá muộn. Chính vì vậy, thời điểm này được coi là chút “lộc sót” cho những người trồng đào. Giá đào bán trong ngày này dao động 50.000 - 200.000 đồng/cành tùy kích thước, lộc hoa trên cành.
Theo người bán, chơi đào Rằm tháng Giêng từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa người Hà Nội. Những cành đào cuối mùa chính là sắc xuân cuối còn sót lại được mọi người mua về để cúng gia tiên và tiễn ông bà sau khi về sum vầy cùng con cháu.
Hoài Anh