Nối tiếp các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản các vùng miền địa phương đã rất thành công với hàng nghìn tấn nông sản, hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử được tiêu thụ từ đầu năm đến nay, trong những tháng cuối năm này Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng các sàn thương mại điện tử, các đối tác vận hành thương mại điện tử khác tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương vào mùa trên môi trường trực tuyến.
Theo ông Trịnh Huy Đông, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương): Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông sản rất quan trọng. Hiện nay, đa số là doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản như: Gạo, chè, cà phê, mật ong, miến dong, hoa quả, rau xanh các loại…
Nhằm giúp cho các DN, HTX phát triển đồng bộ ứng dụng TMĐT phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng và phát triển thị trường, Sở Công Thương đã xây dựng Đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2021” với mục tiêu giúp DN sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến gồm: website, hệ thống email, fanpage trên facebook, landing page.
Từ đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu DN trong môi trường kinh doanh trực tuyến, tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống; đồng thời phát triển khách hàng tiềm năng. Kết quả cho thấy, 6 tháng đầu năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã triển khai chương trình “Duy trì bản đồ số ngành Công Thương tại website congthuongdienbien.com”, “Hỗ trợ Doanh nghiệp, hợp tác xã trang bị bộ phần mềm hóa đơn điện tử, chứng thư số Server”. Đồng thời, cập nhật các thông tin thương mại, thông tin hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh về 35 sản phẩm OCOP tỉnh; 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên bản đồ số. Đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quản trị, khai thác, sử dụng website TMĐT, phần mềm Quản lý bán hàng Shop One phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhận thấy tiện ích của việc quảng bá xúc tiến thương mại trên mạng internet, hiện nay, ngày càng nhiều DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối internet, sử dụng các phần mềm trong sản xuất điều hành, như: Phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng. Một số doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng website riêng và thành lập các trang mạng xã hội (zalo, facebook) để thúc đẩy tiếp thị, quảng bá, trao đổi thông tin qua internet. Sau thời gian ứng dụng trên nhiều kênh internet, hầu hết các DN, HTX đều cho rằng so với phương thức truyền thống, đây là kênh tiếp cận với người tiêu dùng nhanh, hiệu quả nhất, đặc biệt là có chi phí thấp.
Truy cập vào website nongsantamsang.com, ở bất cứ đâu người tiêu dùng cũng có thể nắm được các thông tin giới thiệu về HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (đội 2, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên); giá thành các sản phẩm gạo Hana 112 Điện Biên Tâm Sáng, gạo lứt đỏ Tâm Sáng, gạo séng cù Điện Biên Tâm Sáng, gạo tám Điện Biên Tâm Sáng; chính sách đại lý và nhà phân phối cũng như nhanh chóng liên hệ được với HTX cung cấp, phân phối sản phẩm nông sản.
Ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cho biết: HTX được thành lập từ tháng 1/2015 ban đầu với 10 thành viên, thế mạnh là chuyên sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP và ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng. Năm 2017, HTX lập website với tên miền nongsantamsang.com để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản. Cùng với phương thức bán hàng truyền thống, nhiều đơn hàng hiện nay của HTX đều qua các ứng dụng trên mạng internet. Đặc biệt, qua ứng dụng trên facebook với tên miền “Gạo Tâm Sáng - gạo cao cấp số 1 Điện Biên”, khách hàng chỉ việc inbox để lên đơn số lượng, địa chỉ và lựa chọn phương thức vận chuyển, thanh toán là đã có thể nhanh chóng mua được sản phẩm. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đây cũng là kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản hiệu quả, không tốn chi phí. Nhờ sự nỗ lực kết nối, quảng bá, năm 2019 đã đánh dấu bước chuyển mình của HTX khi thành công giới thiệu sản phẩm gạo tới thị trường Hà Nội và ngay sau đó được bày bán tại hệ thống siêu thị VinMart lớn trên địa bàn Hà Nội.
Không chỉ với HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên mà hiện nay rất nhiều DN, HTX, hộ kinh doanh đã chú trọng đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản trên trang thông tin và mạng xã hội.
Được biết, trong thời gian tới, các hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử sẽ dần trở nên quy củ hơn, bài bản hơn và cạnh tranh hơn. Để đưa nông sản lên thương mại điện tử, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bà con nông dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, bảo quản... để bảo đảm chất lượng đồng đều, hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi tham gia các chương trình đào tạo và tập huấn thương mại điện tử cần có sự chủ động học hỏi, sáng tạo trong việc ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá trên môi trường số.
Ngoài ra, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, kết nối với các hợp tác xã, UBND xã, huyện, tỉnh tại địa phương, các Sở ngành địa phương và đặc biệt là với các sàn thương mại điện tử đang hợp tác với các cơ quan trong đó có Bộ Công Thương để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn gặp phải khi từng bước chuyển mình sang hình thức phân phối hiện đại. Những tháng cuối năm là lúc nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng cao, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang làm việc chặt chẽ với các Sàn thương mại điện tử, các đối tác vận hành để tiếp tục tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá Việt nói chung và nông sản nói riêng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân bước vào giai đoạn bình thường mới.
Văn Chung