Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất Nông nghiệp trên đồng ruộng đem lại thu nhập cao. Trên nguyên tắc “Nông dân có lợi trước – Hợp tác xã có lợi sau” ban quản trị đã xác định rằng đó là một công việc vô cùng vất vả, đầy khó khăn và rủi ro nếu chỉ nhìn vào góc độ kinh doanh. Trong khi tiềm lực tài chính và trình độ của ban chủ nhiệm đủ khả năng để đầu tư vào lĩnh vực khác ổn định hơn, lợi nhuận nhiều hơn và an toàn hơn. Nhưng với”nguyên tắc” trên trải qua 23 năm Hợp tác xã vẫn nhận thấy tính đúng đắn và bền vững ở chỗ: Nông dân cần, Hợp tác xã cần, Xã hội cần. Sự cần đó làm HTX tồn tại và phát triển bền vững.
Ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 đã xác định, hướng đi chủ đạo của hoạt động sản xuất, kinh doanh là phát triển nông nghiệp sạch gắn với dịch vụ tham quan, trải nghiệm hái quả, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực và văn hóa các dân tộc. Hợp tác xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đối giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn.
Trong lĩnh vực rau sạch Hợp tác xã đã áp dụng mô hình sản xuất su hào, xà lách, cà chua, súp lơ, cải bắp... trên diện tích 3 ha theo quy trình VietGAP thành viên trồng rau có sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng từ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến chế biến. Các sản phẩm nông sản của Hợp tác xã đều được kiểm tra, kiểm định nghiêm ngặt, có chứng chỉ đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, Hợp tác xã còn vận động đồng bào dân tộc thiểu số góp 5 ha ruộng, chuyển đổi trồng rau sạch, tăng thu nhập bình quân cho bà con.
Đối với cây ăn quả, Hợp tác xã cũng là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu các chủng loại cây ăn quả ôn đới, chọn tạo giống bằng phương pháp ghép mắt. Hiện nay, Hợp tác xã có vườn cây giống gốc gồm các giống mận chín sớm có giá trị kinh tế cao. Chọn gốc ghép chuẩn bằng cây bản địa để nhân giống mận, giống lê, chanh leo cây khỏe và mọc nhanh hơn, tuổi thọ cao, hạn chế bị sâu đục thân.
Tư vấn và tiêu thụ sản phẩm
Hợp tác xã đã tham gia và tổ chức nhiều lớp tập huấn tư vấn kỹ thuật và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hộ thành viên và các hộ dân liên kết với tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm đạt từ 800-1.000 tấn các loại nông sản/năm.
Từ vùng nguyên liệu mận hậu địa phương, Hợp tác xã đã đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến ra các sản phẩm có thương hiệu, như: Rượu mận, mứt mận, mận sấy dẻo,... HTX đã đầu tư nâng cấp thiết bị, nâng công xuất sấy hơi từ 100kg lên 600kg thành phẩm/mẻ. Bình quân hằng năm, Hợp tác xã thu mua khoảng 400 tấn mận hậu cho nông dân.
Hiện nay HTX sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 3 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm của Hợp tác xã được đặt mua thông qua các trang mạng điện tử, qua các cửa hàng, siêu thị giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp
Hợp tác xã có một chuỗi nhà hàng, nhà nghỉ nối liền với khu sản xuất, chế biến để phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái tổ chức theo hình thức liên kết cộng đồng với các hộ nông dân mang đậm bản sắc các dân tộc tại Mộc Châu như Thái, H'Mông, Dao, Mường. Du khách đến với Hợp tác xã sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa đặc trưng của 05 dân tộc anh em.
Trong thời gian tới Hợp tác xã tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị công nghệ hiện đại tiên tiến, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho thành viên Hợp tác xã, người lao động, các hộ dân liên kết. Tiếp tục đầu tư xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua du lịch trải nghiệm sản phẩm tại vườn, đưa sản phẩm sạch, an toàn đến với người tiêu dùng.
Minh Đông/VPTB