Hương Phong giao quỹ đất lắp dựng Trạm trộn bê tông nhựa nóng

Mới đây, cấp chính quyền địa phương thống nhất giao quỹ đất khoảng 7000m2 để Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế lắp dựng tạm thời Trạm trộn bê tông nhựa để phục vụ công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, thi công các dự án qua địa bàn huyện A Lưới.

Giao sân bóng cũ làm trạm bê tông nhựa nóng

Để kịp thời phục vụ công tác QLBDTX, xử lý các sự cố và thi công các dự án trên tuyến Quốc lộ 49, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện A Lưới được thuận tiện, chủ động, thường xuyên, liên tục và đảm bảo tính kịp thời theo yêu cầu của Chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tài.

Khu vực trạm trộn bê tông nhựa nóng nằm trên đất sân bóng cũ khoảng 7000m2, do UBND xã Hương Phong (A Lưới) giao Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế để phục vụ công trình
Khu vực trạm trộn bê tông nhựa nóng nằm trên đất sân bóng cũ khoảng 7000m2, do UBND xã Hương Phong (A Lưới) giao Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế để phục vụ công trình

Theo đó, UBND xã Hương Phong (A Lưới) chấp thuận giao quỹ đất cho Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế để lắp dựng tạm thời Trạm trộn bê tông nhựa phục vụ công tác QLBDTX, xử lý các sự cố và thi công các dự án tại vị trí Km 355+700 đưòng Hồ Chí Minh, xã Hương Phong, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (khu đất sân bóng cũ, tại thửa đất số 8, tờ bản đồ số 17, diện tích khoảng 7.000 m²).

Khi có yêu câu di dời của UBND huyện A Luới, Công ty sẽ tự bỏ kinh phí để di dời toàn bộ các hạng mục đã xây dựng mà không đòi hỏi bất kỳ lý do nào; đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát về môi trường của cơ quan có thẩm quyền; đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình hoạt động.

Trước đó, Điện lực A Lưới đã đóng điện nghiệm thu công trình Cấp điện trạm trộn bê tông nhựa nóng Hương Phong, đưa vào vận hành trạm biến áp phân phối 400kVA; cấp điện dây chuyền sản xuất bê tông nhựa nóng, phục vụ thi công công trình “Sửa chữa đột xuất hư hỏng nền, mặt đường, lề, rãnh để đảm bảo giao thông đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), tỉnh Thừa Thiên Huế”. Theo đăng ký, dây chuyền ước tính tiêu thụ điện năng trung bình khoảng 800.000kWh/năm.

Dây chuyền kết cấu phức tạp của trạm trộn bao gồm phễu nguội, băng tải, phễu trộn,…đã được lắp đặt hoàn thiện và chỉ chờ đi vào hoạt động sản xuất.
Dây chuyền kết cấu phức tạp của trạm trộn bao gồm phễu nguội, băng tải, phễu trộn,…đã được lắp đặt hoàn thiện và chỉ chờ đi vào hoạt động sản xuất.

Tuân thủ pháp lý nghiêm ngặt

Nhà đầu tư muốn thực hiện việc lắp đặt các trạm trộn bê tông thương phẩm có thời hạn (công trình tạm) ngoài việc phải tuân thủ các thủ tục về đất đai và đầu tư theo các quy định trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và đầu tư, doanh nghiệp còn phải tuân thủ nghiêm ngặt về các thủ tục xây dựng theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại khoản 49, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 thì: “Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm. Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định...”.

Theo quy định tại mục 1.2.1.4, bảng 1.2, Phụ lục I, kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng thì công trình trạm trộn sản xuất bê tông thương phẩm sẽ có cấp II hoặc cấp III (tùy theo công suất).

Theo quy định tại Phụ lục X kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ thì công trình trạm trộn sản xuất bê tông thương phẩm thuộc đối tượng có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng.

Trên cơ sở đó, thủ tục đầu tư xây dựng được thực hiện: Chủ đầu tư tổ chức lập hồ sơ thiết kế, dự toán công trình; lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra thiết kế công trình về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi kết quả thẩm tra về Sở Xây dựng để theo dõi và kiểm tra theo quy định; căn cứ kết quả thẩm tra, chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình.

Về cấp phép xây dựng, đối với công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính thì được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 49, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14.

Còn đối với công trình xây dựng tạm sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác thì được miễn giấy phép xây dựng và phải được UBND cấp tỉnh (đối với công trình cấp II) hoặc UBND cấp huyện (đối với công trình cấp III) chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm theo quy định tại khoản 37 và 49, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14.

Về việc đấu nối đường, khi thực hiện việc lắp đặt các trạm trộn bê thông thương phẩm có thời hạn (công trình tạm), đề nghị các đơn vị thực hiện việc đấu nối đường theo quy định của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải và các văn bản có liên quan khác./.

Bùi Quốc Dũng