Hương trà lan tỏa phẩm chất riêng có của trà

Trà không chỉ gây nghiện ở vị giác khi nếm thử mà mùi hương thanh nhẹ, quyến rũ của nó còn cực kỳ thu hút đối với khứu giác. Mùi thơm nhạn nhạt vừa thanh tao vừa thư giãn. 

Mùi hương của trà mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thư thái và dễ chịu lại có cảm giác say mê khó cưỡng. Trên thế giới có vô số loại phẩm trà khác nhau nhưng dựa vào thời gian sấy và chế biến mà người ta chỉ phân loại thành 4 loại chính là trà xanh, trà trắng, trà đỏ và trà đen. Vì có nhiều nhóm trà khác nhau nên mùi hương cũng sẽ tạo ra những sắc thái khác nhau cho hương thơm của trà. Chẳng hạn như mùi trà xanh sẽ tạo cảm giác tươi mát trong khi các loại trà đỏ và trà đen lại đem lại hương thơm ấm áp.

Hương thơm trà dịu nhẹ lan tỏa giúp thư giãn tinh thần - Ảnh: Nghiện trà
Hương thơm trà dịu nhẹ lan tỏa giúp thư giãn tinh thần - Ảnh: Nghiện trà

Hương thơm tỏa ra là các phẩm chất của trà được cảm nhận bằng mũi. Bạn có thể thưởng thức hương trà ở cả nước trà và sợi trà vừa pha trong ấm. Tùy vào loại trà và cảm nhận của từng người dùng, hương thơm tỏa ra sẽ mang sắc thái khác nhau. Đó có thể là mùi thơm của cốm, mùi cỏ cắt, mùi lá khô; hương thơm của hoa, trái cây nếu là dòng trà ướp hương hay theo như cảm nhận của nhiều người cảm nhận sau khi uống trà phổ nhĩ là mùi gỗ… Mùi hương đa dạng và phong phú nên không có chuẩn mực nào để giá về hương thơm của trà.

Mùi hương có thể cảm nhận bằng nhiều cách khác nhau. Đầu tiên có thể cảm nhận mùi hương của cánh trà lúc chưa pha. Lúc này ta vừa có thể thấy mùi thơm mềm, nguyên sơ nhất lại vừa thấy mùi hơi chan chát của trà. Thưởng thức mùi hương cánh trà tuyệt nhất là lúc mới cho trà vào ấm sử mà chưa chế nước sôi. Cho trà vào ấm, nghe tiếng rom rom của cánh trà chạm đáy ấm cùng với mùi thoang thoảng bay lên thì thật tuyệt vời. Cách thưởng hương thứ hai đó là thưởng thức mùi hương lúc rót trà ra các chén. Rót trà ra chén nhỏ vừa được thưởng thức hương trà lẫn sắc trà thì còn gì bằng. Sau khi nhấp ly trà, cảm giác đắng trong cổ họng. Khi hết vị đắng ấy, sẽ thấy vị ngọt thanh còn lại quyện cùng hương trà phảng phất trong không khí, tạo nên buổi trà tuyệt vời.

Để có được chén trà mang hương sắc vị đầy đủ thơm, ngon, ngọt thanh ấy, người trồng chè phải bỏ không biết bao nhiêu công từ vun xới đến chăm sóc. Người ta lên nương từ lúc  lớp sương còn phơ phất bàng bạc trên nương chè. Lúc ấy là thời điểm nắng chưa cao, tinh túy của đất theo nhựa cây đọng trên những bút trà. Khi có nắng, những hương vị chè thu được lại theo dòng nhựa để trở lại nuôi cây, chờ đêm mai, đêm sau, nhựa cây lại dẫn lên như thế. Cây chè là chiếc cầu nối đất trời vào đêm, sang ngày. Vị chan chát của nhựa cây; mằn mặn, đắng của mồ hôi rơi thấm qua lòng đất; cộng thêm chút ngọt như mật của nắng mai sót lại và chút man mát của sương đêm còn đọng. Tất cả tạo nên hương vị trà: đắng chát lúc đầu và ngọt hậu về sau. Và hương trà cũng là kết tinh từ giọt mồ hôi thấm trên lưng áo, chảy tràn qua khóe mắt, từ bàn tay vò búp kết nhựa trên chiếc chảo sao. Sau tất cả để có hương thơm nhẹ mà ấm, thoảng mà bền, xa mà gần, như hương ngày ta vẫn gặp giữa đời. Hương thơm trà, cứ lặng lẽ mà thơm, dù có chát đắng rồi vẫn đọng lại ngọt thanh.

Trà khi uống hết, hương thơm chưa dứt hẳn người ta tận dụng nó nhằm khử mùi: Cho bã trà vào túi lưới hoặc chén nhỏ và để vào những nơi cần khử mùi như tủ lạnh, góc bếp, kệ sách, tủ giày,... Hoặc là phơi khô bã trà đó, đặt bã trà đã khô vào những nơi dễ ẩm mốc. 

Thư Trà