Vượt qua bộn bề khó khăn thiếu thốn, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, quân và dân huyện đảo chung sức đồng lòng, xây dựng Bạch Long Vĩ ngày càng vững chắc ở nơi phên dậu của Tổ quốc. Từ những mảnh đất khô cằn, hàng ngàn thanh niên xung phong đã chung tay cùng quân, dân huyện đảo xây dựng một loạt công trình hạ tầng phục vụ di dân ra đảo lập nghiệp như: nhà ở, đường giao thông, trung tâm y tế, nhà trẻ, công viên...
Giữ ổn định kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế biển
Năm 2022 tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế ước đạt 494,96 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng ước thực hiện trên 258 tỷ đồng, đạt 91,74% kế hoạch năm, giảm so với cùng kỳ 5,87%. Nhóm ngành dịch vụ ước thực hiện 226 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm. Nhóm ngành nông nghiệp, thủy sản ước thực hiện hơn 10 tỷ đồng, đạt 103,83% kế hoạch năm, tăng so với cùng kỳ 6,13%.
Bạch Long Vĩ có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển. Đây là một trong 8 ngư trường lớn của cả nước, có nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú với 395 loài, 229 giống thuộc 105 họ hải sản, trong đó có 61 loài có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác bào ngư tươi có thời điểm đạt khoảng 10 tấn/năm, cá song sản lượng khai thác 40-50 tấn/năm…Để đảm bảo nguồn lợi thuỷ sản, Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ đã được thành lập để bảo vệ 22 loài đặc hữu, như bào ngư, mực thước, mực nang vân hổ, tôm hùm đỏ, vọp tím, hải sâm trắng...
Huyện đảo Bạch Long Vĩ cũng được đầu tư xây dựng trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn phía Bắc. Hệ thống âu tàu, cầu cảng… ở Bạch Long Vĩ đáp ứng khoảng gần 2.000 lượt tàu thuyền tránh trú bão, mua bán, trao đổi hải sản, cung ứng lương thực thực phẩm, xăng dầu, nước ngọt. Đây là điểm đến quen thuộc của hàng nghìn ngư dân tàu cá từ khắp các địa phương trong cả nước.
Nhiều công trình hạ tầng làm đổi thay diện mạo đảo
Những năm trước đây, 3 khó khăn nhất từng đeo đẳng huyện đảo Bạch Long Vĩ là nước ngọt, điện, phương tiện ra đảo. Trạm điện gió công suất lớn đầu tiên ở Việt Nam đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác trên hòn đảo này. Công trình có trị giá gần 1 triệu USD, với các thiết bị được nhập từ Tây Ban Nha, công suất 800kW được hoàn thiện từ cuối năm 2020 và chạy ổn định từ tháng 8/2022. Bảo đảm cung cấp điện ổn định liên tục, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và dịch vụ sản xuất, du lịch của các hộ dân, doanh nghiệp và các đơn vị khác trên đảo Bạch Long Vỹ, tạo động lực cho việc phát triển các ngành nghề công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển kinh tế biển và các hoạt động du lịch biển.
Hồ chứa nước ngọt có dung tích 45.000 m3 được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2020, hệ thống lọc nước được khánh thành vào tháng 4/2022 là nguồn dự trữ và cung cấp nước quan trọng cho huyện đảo. Từ năm 2022, toàn dân trên đảo có nước cấp từ hồ chứa nước về tận nhà, với giá nước sinh hoạt nông thôn được áp dụng chung trên toàn thành phố Hải Phòng.
Việc đi lại giữa đảo và đất liền cũng đã trở nên thuận lợi hơn trước. Hai tàu khách chính được cấp phép là tàu Bạch Long và tàu Hoa Phượng Đỏ. Trong đó, tàu Hoa Phượng Đỏ có trọng tải 220 tấn, với chiều dài hơn 52m, chiều rộng gần 11m, chiều cao mạn 4,7m và tầm hoạt động 750 hải lý. Tàu có năng lực chở trên 200 người và 50 tấn hàng hóa, trong đó có 4 phòng VIP, 56 giường nằm thường. Tàu có thể hoạt động được trong điều kiện sóng cấp 6, cấp 7 và gió cấp 8, cấp 9. Trong điều kiện thời tiết tốt, thời gian hành trình từ Hải Phòng ra đảo Bạch Long Vỹ và ngược lại chỉ khoảng 5 giờ đồng hồ. Tính tới thời điểm này, tàu Hoa Phượng Đỏ vẫn được UBND thành phố trợ giá, không thu phí.
Ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết: “Từ năm 2022, UBND huyện chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng theo nguồn vốn đầu tư công được thành phố phân bổ.
Đó là các dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần, bến neo đậu tàu, đón trả khách tuyến Hải Phòng – Bạch Long Vĩ tại xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên; dự án đàu tư xây dựng Cảng và khu neo đậu tàu phía Tây Bác đảo (giai đoạn 1); dự án Xây dựng trạm cứu hộ động vật hoang dã và sản xuất giống hải sản phục vụ tái tạo nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn biển.
Khi hoàn thiện và đi vào sử dụng, các công trình này sẽ góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”
Giang Hồng