Huyện Đồng Hỷ cấp mã số vùng trồng cho gần 60 ha đất trồng trọt

Từ năm 2023 tới nay, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã xây dựng mã số vùng trồng cho 25 ha chè tại 2 xã Tân Long, Văn Lăng và 11 ha na tại xã Tân Long. Đến nay, trên địa bàn huyện hiện có 9 vùng trồng trọt được gắn mã số vùng trồng đạt yêu cầu theo TCCS 774:2020/BVTV, với tổng diện tích 58,78 ha. Tại các vùng trồng được gắn mã số vùng trồng và định vị trên hệ thống IPS toàn cầu để theo dõi, truy xuất nguồn gốc…

Công nhân HTX chè Thịnh An trên địa bàn huyện Đồng Hỷthu hái chè
Công nhân HTX chè Thịnh An trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thu hái chè.

Trong năm 2023, đã cấp mới 176 ha, cấp lại 50 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã, thị trấn (Hóa Trung, Hòa Bình, Văn Lăng, Quang Sơn, Minh Lập, Nam Hòa, Văn Hán, Khe Mo, Tân Lợi, Hợp Tiến, Cây Thị, Sông Cầu, Hóa Thượng), nâng tổng số diện tích chè được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên toàn huyện đạt 602,2 ha (trong đó chè đạt tiêu chuẩn VietGAP là 583,1 ha và hữu cơ 19,11 ha).

Đối với cây ăn quả, toàn huyện hiện có 1.709,2 ha, trong đó trong đó 151 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.

HTX Chè Thịnh An - Thái Nguyên, vùng sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
 Vùng sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của HTX Chè Thịnh An, huyện Đồng Hỷ.

Để góp phần nâng cao giá trị ngành trồng trọt, Đồng Hỷ tăng cường công tác quy hoạch theo hướng tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, huyện tiếp tục duy trì diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Hòa Bình, Minh Lập, Văn Hán, Khe Mo, Văn Lăng và thị trấn Sông Cầu; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng vùng chè an toàn, vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

PHI LONG