Huyện Hoàng Sù Phì (tỉnh Hà Giang): Nâng cao thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ

Trong những năm qua, nhằm phát huy lợi thế của chè Shan tuyết cổ thụ, huyện Hoàng Su Phì đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác bảo tồn và phát triển các diện tích chè Shan tuyết cổ thụ theo hướng hàng hóa; tập trung phát triển sản xuất chè hữu cơ; kết nối chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ để nâng cao giá trị thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới phía Tây của Hà Giang. Đặc điểm địa hình, nông hóa thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu đã tạo cho Hoàng Su Phì các thương hiệu chè Shan tuyết nổi tiếng trong nước và thế giới.
Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới phía Tây của Hà Giang. Đặc điểm địa hình, nông hóa thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu đã tạo cho Hoàng Su Phì các thương hiệu chè Shan tuyết nổi tiếng trong nước và thế giới.

Tổng diện tích chè Shan tuyết của huyện Hoàng Su Phì đạt trên 4.560 ha, trong đó, trên 3.590 ha cho thu hoạch và năng suất chè búp tươi đạt bình quân 39 tạ/ha. Đặc biệt, diện tích chè Shan tuyết cổ thụ khoảng 2.450 ha, chiếm trên 53,7% diện tích. Tuy chè Shan tuyết cổ thụ cho năng suất thấp (bình quân đạt 25 – 27 tạ/ha) nhưng do sinh trưởng tự nhiên, không có tác động của phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bệnh nên chất lượng chè thơm ngon, đậm đà hơn hẳn chè Shan tuyết trồng đại trà.

Nắm rõ được thế mạnh của địa phương, UBND huyện Hoàng Sù Phì đã đẩy mạnh tập huấn về kỹ thuật cải tạo, nâng cao năng suất chè cổ thụ, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Hướng dẫn người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng trong sản xuất chè. Cùng với việc gia tăng sản lượng chè, cải tạo các diện tích chè già cỗi, huyện cũng cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, huyện tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp, HTX chế biến chè với các xã vùng trọng điểm trồng chè nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Điều này giúp người dân yên tâm sản xuất và giảm tình trạng phá bỏ nương chè để trồng cây khác.

Chị Triệu Mùi Mủi (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Sù Phì) cho biết: Gia đình chị có hơn 1 ha chè Shan tuyết. Trước đây, giá chè búp tươi thấp khiến người dân không mặn mà mấy với việc trồng trà. Gần đây, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các doanh nghiệp, HTX, giá chè tươi đã tăng đáng kể từ 20 nghìn đến 200 nghìn đồng/kg tùy loại. Các HTX, doanh nghiệp còn đến thôn để ký hợp đồng thu mua đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè. Nhờ vậy, gia đình chị rất yên tâm sản xuất, tập trung chăm sóc cho vườn chè cổ thụ của mình.
Chị Triệu Mùi Mủi (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Sù Phì) cho biết: Gia đình chị có hơn 1 ha chè Shan tuyết. Trước đây, giá chè búp tươi thấp khiến người dân không mặn mà mấy với việc trồng trà. Gần đây, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các doanh nghiệp, HTX, giá chè tươi đã tăng đáng kể từ 20 nghìn đến 200 nghìn đồng/kg tùy loại. Các HTX, doanh nghiệp còn đến thôn để ký hợp đồng thu mua đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè. Nhờ vậy, gia đình chị rất yên tâm sản xuất, tập trung chăm sóc cho vườn chè cổ thụ của mình.

Để nâng cao giá trị cây chè, BCH Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Nghị quyết số 06, ngày 3.2.2021 nhằm nâng cao thương hiệu chè Shan tuyết giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Sau hơn 2 năm triển khai, giá trị sản xuất chè đã tăng trên 15%. Cụ thể, năm 2021, sản lượng chè búp tươi đạt 14.027,9 tấn, giá trị 280,5 tỷ đồng, bình quân mỗi ha chè cho thu nhập 78 triệu đồng. Đến cuối năm 2022, sản lượng chè đạt 13.912,7 tấn, doanh thu 306 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi ha chè trên 85 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng/ha so với năm 2021. Hiện tại, toàn huyện có 10 hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến chè quy mô vừa (3-5 tấn/ngày), 20 cơ sở chế biến quy mô nhỏ và hơn 300 cơ sở chế biến hộ gia đình. Các sản phẩm chè của huyện rất đa dạng bao gồm chè xanh, hồng trà, trà Phổ Nhĩ ép bánh, trà Shan tiên, trà Móng rồng với giá bán từ 150 nghìn đến 12 triệu đồng/kg. Các sản phẩm chè đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga, Đức và một số quốc gia khác.

Để nâng cao thương hiệu chè, huyện Hoàng Su Phì đã vận động các doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất tham gia vào chương trình OCOP – mỗi địa phương một sản phẩm. Các xã, thị trấn, cơ quan liên quan đã giúp đỡ các chủ thể sản xuất trong việc xây dựng ý tưởng, hoàn thiện hồ sơ và đánh giá sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các nguồn lực cũng được lồng ghép để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Hiện toàn huyện có 12 sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Ông Lý Chòi Nhàn, Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, cho biết huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con trồng dặm cây chè già cỗi; đào tạo, tập huấn chuyên sâu các kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chè cho nông dân để nâng cao năng suất và chất lượng. Huyện cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên doanh, liên kết để xây dựng nhà xưởng chế biến và kho bảo quản chè, đồng thời hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ chế biến.

Đến nay, toàn huyện duy trì diện tích 4.600ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch là 3.700ha, sản lượng chè búp tươi năm 2022 đạt 13.912,7 tấn. Các xã nằm trong vùng trọng điểm chè của huyện gồm 9 xã: Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán, Nậm Dịch, Nam Sơn, Nậm Khòa, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng, Bản Luốc. Do chè Shan tuyết chủ yếu được trồng tại các thôn vùng cao, mọc lẫn một số loại cây khác trong rừng tự nhiên nên việc thu hái, chế biến gặp nhiều khó khăn. Người dân ít có sự đầu tư, thâm canh trong quá trình chăm sóc, thu hái dẫn đến sản lượng chè búp tươi đạt thấp. Bởi thế cần sự sát sao, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật từ chính quyền địa phương để duy trì canh tác, nâng cao năng suất lẫn chất lượng của chè Shan tuyết cổ thụ.