Huyện Mai Châu nỗ lực phát triển kinh tế xã hội - từng bước tạo dựng thương hiệu OCOP địa phương

Huyện Mai Châu có trên 88% đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống. Toàn huyện có 10 xã vùng III, 7 xóm ở các xã vùng II thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH ở vùng đồng bào miền núi. Thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, đời sống của bà con không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn của huyện từng bước đổi thay.

Đẩy mạnh sản xuất nông- lâm nghiệp

 Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ làm đất, lựa chọn cơ cấu giống, cây trồng phù hợp và gieo trồng bảo đảm đúng khung thời vụ, điều tiết nước hợp lý bảo đảm đủ nước phục vụ cho sản xuất; kịp thời khắc phục ảnh hưởng của thiên tai. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó chuyển khoảng 78,71ha diện tích đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao như: Dưa hấu, bí xanh, bí lấy hạt, mướp đắng lấy hạt, ớt... Nhìn chung diện tích trồng cây lương thực, rau màu các loại gieo trồng đảm bảo theo đúng khung thời vụ và đạt kế hoạch đề ra.

Cánh đồng lúa huyện Mai Châu, hiện các xã thị trấn cơ bản đã thu hoạch xong vụ lúa Xuân và đang chuẩn bị thu hoạch vụ kế tiếp, năng suất ước đạt 56,50 tấn/ha.ảnh A Trứ
Cánh đồng lúa huyện Mai Châu, hiện các xã thị trấn cơ bản đã thu hoạch xong vụ lúa Xuân và đang chuẩn bị thu hoạch vụ kế tiếp, năng suất ước đạt 56,50 tấn/ha.ảnh A Trứ

Bên cạnh đó, mảng chăn nuôi luôn được huyện quan tâm chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ hóa chất sát trùng để phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi, tăng cường kiểm soát dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND ngày 19/12/2021 của HĐND tỉnh Hòa Bình về Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăn nuôi, phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm trên toàn huyện: giá sản phẩm chăn nuôi có chiều hướng tăng; chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng về chất lượng.

 Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng năm 2024 và công tác khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng tự nhiên, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng, ngăn chặn và hạn chế các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Triển khai thực hiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn huyện, các cơ quan chuyên môn đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh; xây dựng triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Qua thống kê, trong 9 tháng đầu năm trồng rừng mới được 83,61 ha, bằng 49,18% kế hoạch và bằng 121,97% so với cùng kỳ, tỷ lệ độ che phủ rừng giữ vững >65%.

Từng bước xây dựng thương hiệu OCOP

 Là huyện miền núi với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, nhiều cảnh đẹp hòa với bản sắc văn hóa phong phú của các dân tộc, phong tục bản địa được duy trì lâu đời… đã tạo nên một huyện Mai Châu đẹp thu hút du khách đến tham qua trải nghiệm.

Một góc huyện Mai Châu hôm nay, các cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thu hút đầu tư để phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm OCOP điểm hình. ảnh A Trứ
Một góc huyện Mai Châu hôm nay, các cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thu hút đầu tư để phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm OCOP điểm hình. ảnh A Trứ

Ông Ngần Văn Toàn, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết: “Để triển khai mạnh mẽ Chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)  nhằm nâng cao giá trị, chất lượng các sản phẩm và hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn. Huyện đã tập chung khảo sát và đánh giá lại các sản phẩm, gia hạn cho các sản phẩm đã hết hạn, khuyến khích các hộ kinh doanh, các HTX, doanh nghiệp nâng cao chất lượng các sản phẩm. Hiện huyện có 12 sản phẩm OCOP ( có 2 sản phẩm đã hết hạn không công nhận lại), trong đó có 2 sản phẩm OCOP 4 sao, 8 sản phẩm 3 sao, các sản phẩm OCOP ngày càng được cải thiện và nâng cao cả về mặt chất lượng và sản lượng, ngày càng được người tiêu dùng biết đến”.

Với mục đích, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; xây dựng và chuẩn hóa các điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn sản phẩm OCOP nhằm phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, trải nghiệm bản sắc văn hóa, ẩm thực đa sắc màu tại các điểm du lịch. Điểm hình có khu du lịch cộng đồng bản Lác với khí hậu mát mẻ trong lành luôn thu hút du khách trải nghiệm, nhất là khách nước ngoài. Cùng với đó, có nhiều điểm du lịch đạt OCOP 4 sao như: Du lịch cộng đồng của HTX Dịch vụ du lịch và Nông nghiệp Hang Kia, Du lịch Hang Kia Pa Cò…

Điểm du lịch xóm Chà Đáy, xã Pa Cò huyện Mai Châu đang ngày càng thu hút khách du lịch đếm trải nghiệm. Tại đây, khách du lịch sẽ được tham quan trải nghiệm các dịch vụ, bản sắc văn hóa của đòng bào người Mông, thưởng thức hương vị những cây chè Shan tuyết cổ thụ vài trăm tuổi. ảnh A Trứ
Điểm du lịch xóm Chà Đáy, xã Pa Cò huyện Mai Châu đang ngày càng thu hút khách du lịch đếm trải nghiệm. Tại đây, khách du lịch sẽ được tham quan trải nghiệm các dịch vụ, bản sắc văn hóa của đòng bào người Mông, thưởng thức hương vị những cây chè Shan tuyết cổ thụ vài trăm tuổi. ảnh A Trứ

Là một trong những sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh Hòa Bình, sản phẩm “Qùa tặng thổ cẩm” của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, đã mang đến những món quà, những sản phẩm thổ cẩm tinh tế đậm bản sắc văn hóa của đồng bào người dân tộc Thái nơi đây. Qua tìm hiểu, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu được thành lập tại xã Chiềng Châu từ năm 2013 với 21 thành viên. Ban đầu, các sản phẩm chủ yếu là khăn, vải, trang phục truyền thống của người dân tộc Thái, tất cả đều được làm thủ công, tỉ mỉ trong từng công đoạn… Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu được thành lập, thu hút nhiều chị em tham gia với sản phẩm là những bộ trang phục, đồ trang trí, phụ kiện được làm từ thổ cẩm… bước đầu đã mang lại thu  nhập ổn định cho chị em phụ nữ ở địa phương.

Bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX nhấn mạnh: “Nhằm mục tiêu kế thừa nghề dệt truyền thống từ thời ông bà truyền lại HTX quyết tâm khôi phục, phát triển nghề truyền thống và từ sự động viên, ủng hộ của chính quyền huyện, xã… tôi đã kêu gọi thành viên cùng tham gia đóng góp, huy động nguồn lực thành lập HTX. Tại đây, các thành viên được nâng cao tay nghề dệt, được đi thăm quan, học tập kinh nghiệm, quan trọng nhất là có nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống”. Hằng năm, HTX đã tạo ra nhiều sản phẩm như: Vải, túi sách, khăn, đồ trang trí, gấu thú… được nhiều thị trường trong nước và nước ngoài tin dùng doanh thu đạt gần 1,5 tỷ đồng/năm.

Huyện Mai Châu nỗ lực phát triển kinh tế xã hội - từng bước tạo dựng thương hiệu OCOP địa phương - Ảnh 1 Huyện Mai Châu nỗ lực phát triển kinh tế xã hội - từng bước tạo dựng thương hiệu OCOP địa phương - Ảnh 2
Huyện Mai Châu nỗ lực phát triển kinh tế xã hội - từng bước tạo dựng thương hiệu OCOP địa phương - Ảnh 3
Một số sản phẩm của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu. ảnh A Trứ

Đến với cơ sở sản xuất rượu của hộ kinh doanh Vì Thị Tồn với 2 sản phẩm “rượu Láu Siêu và rượu cần Mai Hạ” đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Cơ sở của gia đình bà Vì Thị Tồn là một trong những hộ có thâm niên trong nghề nấu rượu tại xóm Chiềng Hạ. Theo bà Tồn, công đoạn làm men là kỳ công nhất và quyết định chất lượng của rượu. Bà Vì Thị Tồn chia sẻ: “Để làm được men rượu chúng tôi phải lên rừng hái hơn 20 loại lá cây, củ, quả như: riềng, gừng, ổi, hồng bì… Sau đó rửa sạch, phơi khô, giã thành bột trộn với bột sắn để làm men. Nguyên liệu nấu rượu Láu Siêu là sắn; Sắn phải phơi khô, đập nhỏ, ngâm vào nước đúng 24 giờ. Sau khi xả nước ngâm tiếp tục ngâm trong nước nhiều ngày để loại bỏ những bụi bẩn trong sắn, đến khi nước ngâm trong vắt mang đãi, trộn đều với trấu gạo đem đồ chín. Sắn sau khi đồ chín hong đều ra các nia, mẹt để nguội ủ với men, rồi cho vào chum sành ủ gần tháng thì mang ra chưng cất”.

Làng nghề nấu rượu truyền thống ở xóm Mai Hạ, thu hút khách trải nghiệm. ảnh A Trứ
Làng nghề nấu rượu truyền thống ở xóm Mai Hạ, thu hút khách trải nghiệm. ảnh A Trứ

Để đảm bảo quy trình nấu rượu đủ vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, gia đình bà đầu tư xây dựng nhà xưởng diện tích khoảng 600 m2, với hệ thống máy móc, trang thiết bị và áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong khâu hoàn thiện sản phẩm, sử dụng máy lọc rượu để khử độc tố trong rượu, công nghệ làm giảm độ sốc cho rượu trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện, gia đình bà Tồn là cơ sở duy nhất của xóm Chiềng Hạ sử dụng máy lọc để khử độc tố trong rượu. Việc chú trọng xử lý, loại bỏ các độc tố trong rượu bằng máy lọc đã khẳng định thương hiệu rượu Láu Siêu, tạo được niềm tin, uy tín chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Huyện Mai Châu nỗ lực phát triển kinh tế xã hội - từng bước tạo dựng thương hiệu OCOP địa phương - Ảnh 4
Huyện Mai Châu nỗ lực phát triển kinh tế xã hội - từng bước tạo dựng thương hiệu OCOP địa phương - Ảnh 5 Huyện Mai Châu nỗ lực phát triển kinh tế xã hội - từng bước tạo dựng thương hiệu OCOP địa phương - Ảnh 6
Các sản phẩm rượu của hộ kinh doanh Vì Thị Tồn, đạt sản phẩm OCOP 3 sao. ảnh A Trứ

Hiện cơ sở sản xuất của gia đình mỗi năm đạt được 3.000 lít rượu. Rượu sau khi lọc được bán với giá 60.000 đồng/lít, được chia ra thành nhiều mẫu mã khác nhau để du khách có thể lấy làm quà tặng, biếu hay dùng luôn…Với uy tín, chất lượng rượu của gia đình bà Tồn đã có mặt ở nhiều thị trường như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định… góp phần tạo nguồn thu ổn định cho gia đình và gìn giữ nghề nấu rượu truyền thống ở vùng đất Mai Hạ.

Phát huy những kết quả đạt được thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, thành lập các tổ hợp tác, các HTX nông nghiệp, dịch vụ du lịch… tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống, nâng cao chất lượng thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Mai Châu. Phấn đấu để người tiêu dùng ngày càng biết đến và sử dụng các sản phẩm OCOP của huyện Mai Châu nói riêng và Hòa Bình nói chung.

A Trứ- Bình An