Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Phát triển vùng nguyên liệu chè phục vụ chế biến

Xác định chè là một trong những cây trồng truyền thống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân, huyện Như Xuân đã triển khai phát triển vùng nguyên liệu chè quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực của huyện.

Diện tích trồng chè mới nằm trong dự án “Trồng và sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao” của huyện Như Xuân.
Diện tích trồng chè mới nằm trong dự án “Trồng và sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao” của huyện Như Xuân.

Chè là cây hàng hóa lâu năm, phù hợp với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Như Xuân. Từ nhiều năm trước đây, cây chè đã được trồng tại các xã Bãi Trành, Cát Vân, Cát Tân, Hóa Quỳ... với diện tích phân tán khoảng hơn 100 ha; năng suất từ 1 đến 2 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt từ 80 triệu đồng/ha trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế, tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, diện tích sản xuất phân tán nhỏ lẻ; việc trồng, chăm sóc, thu hái, chưa đúng quy trình kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng.

Trước thực tế đó, với kỳ vọng khôi phục và phát triển loại cây trồng truyền thống và trồng mới các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao để mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, huyện Như Xuân đã phát triển dự án “Trồng và sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao” tại 2 xã Cát Tân và Cát Vân; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, phát triển du lịch sinh thái dựa trên quang cảnh tự nhiên.

Theo đó, để đạt được mục tiêu này, huyện đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng keo, sắn kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao. Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng vùng chè, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển cây giống, vật tư phân bón nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.

Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Như Xuân, cho biết: Để phát triển bền vững cây chè, hướng tới xây dựng thương hiệu, huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè tỉnh Phú Thọ, nghiên cứu chất đất và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng giống chè lai LDP2, BH có năng suất, chất lượng cao cho người dân.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Chế biến chè Phương Đông quy hoạch vùng nguyên liệu chè giai đoạn đầu tiên vào vụ xuân 2021 tại 2 xã Cát Tân và Cát Vân với diện tích 10 ha. Được biết, người dân tham gia dự án sẽ được cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp quy định, hỗ trợ kỹ thuật, cấp chứng chỉ an toàn và hữu cơ đối với các sản phẩm được tạo ra từ vùng nguyên liệu trong chuỗi giá trị sản phẩm mà công ty thực hiện. Đồng thời, bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong vùng với giá ổn định, hợp lý và theo cơ chế thị trường. Từ đó, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chè công nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới xây dựng vùng chè hữu cơ để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sẽ được công ty đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Như Xuân.

Theo kế hoạch, huyện sẽ xây dựng 3 vùng chè lớn gắn liền với các vùng, khu du lịch sinh thái, quang cảnh tự nhiên sẵn có trong huyện. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có hơn 400 ha chè, sản lượng đạt 2 vạn tấn chè búp tươi và xuất khẩu 5.000 tấn sản phẩm chè các loại mỗi năm. Đồng thời, phát triển được những vùng chè bảo đảm các tiêu chuẩn ISO, HACCP, USDA... và xây dựng được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ chè, các sản phẩm từ chè.

Huyện Như Xuân đã và đang tiếp tục rà soát, quy hoạch đất nông nghiệp để xây dựng và phát triển vùng chè chất lượng cao. Bên cạnh đó, giải quyết các khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật trồng mới, bón phân... để vừa có năng suất cao, vừa có chè chất lượng tốt; củng cố và đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, đường... vùng chè. Chú trọng tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc trồng chè; thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong sản xuất và tiếp cận thông tin thị trường... Tuy dự án đang trong giai đoạn xây dựng, còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm, nỗ lực của huyện cùng người dân trên địa bàn, hy vọng vùng chè sẽ hồi sinh trên mảnh đất Như Xuân.

Sơn Thủy