Đến nay, huyện Phú Lương chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ người sản xuất chè về khoa học công nghệ. Nhất là áp dụng theo quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; hệ thống tưới tiết kiệm nước; thay thế máy móc chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng tem nhãn, truy suất nguồn gốc, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đến nay, diện tích chè được chứng nhận mới, chứng nhận lại VietGAP, hữu cơ của huyện đạt 1.127,7 ha; huyện đã hỗ trợ 387 máy vò, 87 tôn sao inox, 5 tôn điện, 1 kho lạnh, 1 tôn sao ga, 1 máy hút chân không và hệ thống tưới 36,5 ha chè; 74 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ quy mô 55 ha; hỗ trợ 45.865 tem QR Code cho một số tổ hợp tác chè VietGAP.
Đặc biệt, để quảng bá thương hiệu, huyện Phú Lương quan tâm duy trì và phát triển “Nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Lương", nhãn hiệu tập thể “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”; hỗ trợ biển quảng cáo cho 7 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện; hỗ trợ 10 tủ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP cho các HTX có sản phẩm OCOP đặt tại các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm của huyện, UBND các xã... nhằm trưng bày và bán các sản phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Toàn huyện đã có 12 sản phẩm chè đạt OCOP được giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Lazada, Shopee, Postmart.vn...
PHI LONG