Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc: Xây dựng thương hiệu “Gà Tam Đảo”

Dù chất lượng đã được khẳng định, nhưng đến nay, thương hiệu gà Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vẫn chưa được gây dựng. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng tầm giá trị cũng như chất lượng đàn gà, địa phương này đang xây dựng kế hoạch triển khai mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, hướng tới xây dựng thương hiệu “Gà Tam Đảo”.

Tận dụng hơn 1ha đất vườn đồi, gia đình ông Lăng Văn Bình, thôn Làng Chanh, xã Tam Quan chăn thả hơn 1,3 vạn gà thịt. Từ lâu, nghề nuôi gà thả đồi đã tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình ông. Gà được nuôi thả tự nhiên trên đồi, chất lượng thịt săn chắc và thơm ngon nên được người tiêu dùng, các thương lái trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, giá gà bấp bênh khiến ông Bình không khỏi băn khoăn. Ông chia sẻ: “Do chăn nuôi tự phát nên giống gà nuôi cũng không cố định. Hơn nữa, gà chưa có thương hiệu nên giá bán chưa cao và đầu ra thiếu ổn định, khó vào các kênh tiêu thụ lớn”.

Do chưa có thương hiệu nên giá gà thả đồi của gia đình ông Lăng Văn Bình còn bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định.
Do chưa có thương hiệu nên giá gà thả đồi của gia đình ông Lăng Văn Bình còn bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định.

Với những đặc điểm về điều kiện đất đai và địa hình, Tam Đảo có những ưu thế nhất định để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà. Cuối năm 2019, tổng đàn gà trên địa bàn huyện có khoảng 1,8 triệu con.

Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi gà còn mang tính tự phát, việc kiểm soát chất lượng chưa được chú trọng nên dịch bệnh thường xảy ra, thị trường, giá cả không ổn định. Nhằm khắc phục tình trạng trên, huyện Tam Đảo xây dựng kế hoạch triển khai mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, hướng tới xây dựng thương hiệu “Gà Tam Đảo”.

Từ nay đến hết năm 2022, huyện sẽ lựa chọn các hộ trên địa bàn có điều kiện phát triển chăn nuôi gà để hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật và một số điều kiện cần thiết xây dựng mô hình điểm trong chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ, từng bước xây dựng thương hiệu “Gà Tam Đảo”.

Giống gà dự kiến lựa chọn để xây dựng thương hiệu là gà Lạc Thủy và gà rừng lai Tam Đảo. Thức ăn chăn nuôi, thiết bị vật tư áp dụng tại mô hình phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được mua tại cơ sở uy tín, có tiêu chuẩn cơ sở.

Dự kiến sau khi các mô hình điểm chăn nuôi gà an toàn sinh học, hướng tới xây dựng thương hiệu “Gà Tam Đảo” đạt kết quả tốt, huyện sẽ phát triển chăn nuôi ở các hộ vệ tinh để thuận tiện cho việc tham gia học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức chăn nuôi; hỗ trợ một phần chi phí giống, vắc xin...

Cán bộ ngành Nông nghiệp sẽ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật để quy trình chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất. Phấn đấu đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện phát triển trên 20 vạn gà được nuôi theo hướng xây dựng thương hiệu “Gà Tam Đảo”.

Ngoài ra, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng 2 cơ sở giết mổ gia cầm với đầy đủ các hạng mục: Lò giết mổ với quy mô tối thiểu 500 con/ngày; hệ thống xử lý chất thải, nước thải; chuồng trại phục vụ nuôi dưỡng gia cầm chờ giết mổ.

Đồng thời, tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thông qua các hội chợ triển lãm; hỗ trợ các hộ chăn nuôi đăng ký chất lượng VietGAP, sản phẩm OCOP và xây dựng thương hiệu “Gà Tam Đảo”; hỗ trợ tem, nhãn và một số dụng cụ đóng gói sản phẩm để xuất ra thị trường; xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác hoặc HTX để điều hành hoạt động, quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để kế hoạch đạt hiệu quả cao, huyện khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ tự dồn điền đổi thửa nhằm thuận tiện cho việc xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, đáp ứng nhu cầu phát triển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin thị trường cho người chăn nuôi thông qua các phương tiện truyền thông, các buổi tập huấn, hội nghị; tăng cường sự hợp tác giữa 4 nhà, đảm bảo việc cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm được chặt chẽ.

Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào giết mổ, chế biến tập trung; tăng cường năng lực cho các hộ chăn nuôi nhằm hạn chế rủi ro; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, làm ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng của sản phẩm gà Tam Đảo.

Duy Cảnh (tổng hợp)