Nỗ lực đưa nông sản vươn xa ở Tây Bắc còn nhiều khó khăn, nhưng chuyển đổi số đang mở ra hướng đi, một tương lai bền vững cho nông sản Tây Bắc nói riêng.
Chuyển đổi số nông sản
Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) ban hành Quyết định 1034/QĐ-BTTTT của phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Voso và Postmart. Kế hoạch với mục tiêu, kỳ vọng hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hướng tới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT thông qua các doanh nghiệp bưu chính.
Trọng tâm được đưa ra bàn thảo là phương án tiêu thụ nội tỉnh, liên tỉnh, kênh trực tuyến (online) và kênh offline thông qua 02 doanh nghiệp bưu chính. Các sản phẩm nông nghiệp của các hộ sản xuất kinh doanh sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, giao dịch mua bán trên 2 sàn thương mại điện tử: Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel. Theo đánh giá của đại diện một số Bộ, ngành sàn TMĐT với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, ngay từ khi chủ trương ban hành các địa phương trong tỉnh đã triển khai công việc, nhằm đưa sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT. Đơn cử như huyện Bát Xát có 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và rất nhiều nông sản đang được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trước đó, sản phẩm tiêu thu được ít, bị các thương lái ép giá, người dân, HTX sản xuất gặp nhiều khó khăn. Việc đưa nông sản của huyện lên sàn TMĐT được đánh giá “đột phá” vượt qua “rào cản” nhằm đưa người nông dân có thu nhập tốt hơn.
Tuy nhiên, do hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ... nên số HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn TMĐT chưa nhiều. Các sản phẩm được lựa chọn hầu hết đã đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các sàn TMĐT như: Postmart.vn, Voso.vn.
Để khắc phục những khó khăn địa đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, chỉ tính đến cuối năm 2022 toàn huyện có 18.826 địa điểm được gắn địa chỉ số. Trong đó 17.696 hộ gia đình; 1.130 địa chỉ tại các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, các khu dân cư, chợ dân sinh.
Nắm bắt nhanh xu thế đưa nông sản “chuyển mình”, giữa năm 2022 tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều kế hoạch giúp bà con nông dân, các HTX đưa sản phẩm nông sản lên các sàn TMĐT. Tíh đến giữa năm 2022 đã có gần 130 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, đạt 92%. Trong đó, 64 sản phẩm được đưa lên sàn Voso.vn và 63 sản phẩm được đưa lên sàn Postmart.vn.
Theo kế hoạch của tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện số hóa dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp; tập huấn hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp khởi tạo, đăng bán sản phẩm trên sàn TMĐT; thực hiện việc nâng cấp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; quảng cáo bán lẻ sản phẩm nông nghiệp qua sàn TMĐT nội địa và quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng nền tảng và tích hợp các tiện ích công, dịch vụ xã hội, gia tăng tính tiện ích và kích thích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia truy cập và sử dụng nền tảng số.
Mở ra tương lai bền vững hơn
Ông Cao Xuân Diễn - Giám đốc HTX Tiên Phong, Mường Vi (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho hay, trước kia sản phẩm của HTX chỉ bán qua kênh truyền thống, hoặc qua nền tảng mạng xã hội Facebook, zalo, tiktok. Nhưng khi huyện triển khai sàn TMĐT HTX đã đưa 3 dòng sản phẩm của mình lên sàn TMĐT Postmart.vn và cả website Web của HTX. “Chúng tôi cũng thấy rằng sản phẩm khi đưa lên sàn TMĐT Postmart đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Khách hàng sử dụng trực tiếp không qua kênh phân phối, đại lý thì giá thành khi đến tay khách hàng phù hợp hơn và sản phẩm phát triển nhiều hơn so với khi chưa tiếp cận với sàn TMĐT”, ông Diễn nói.
Anh Vàng Văn Sưởng - Giám đốc HTX Mường Kim, xã Mường Vi cho biết: “Đơn vị HTX chúng tôi đực thành lập từ năm 2016 liên kết với bà con chủ yếu sản xuất, chế biến, triết xuất các loại tinh dầu thảo dược. Trước đây, sản phẩm của HTX chỉ bán cho các đối tác quen biết và các công ty dược đặt hàng, đầu ra chưa ổn định. Được các phòng, ban của huyện hướng dẫn tiếp cận với sàn TMĐT và sau khi sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT cũng mong muốn được tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, sản phẩm được bán rộng rãi không những trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài”.
Nói về áp dụng “công nghệ số” đưa nông sản đi tiêu thụ ông Châu Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim, huyện Bát Xát cho hay trong thời gian vừa qua chính quyền và người dân trên địa bàn xã đã tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất từ đó nâng chất lượng sản phẩm nông sản của địa phương. “Cấp ủy, chính quyền xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách thực hiện đăng tin, bài quảng bá các sản phẩm trên các trang mạng và sàn TMĐT. Đồng thời chúng tôi cũng đã tuyên truyền trên các phương tiện như: Loa truyền thanh, hội nghị tuyên vận, họp thôn... chính vì vậy người dân đã dần tiếp cận và đưa được các sản phẩm của mình lên sàn TMĐT thúc đẩy bán hàng và đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn”./.
Phú Nguyễn - Minh Đông/VP Tây Bắc