Tiêu thụ nông sản 4.0
Đại dịch Covid-19 kéo dài trong hơn một năm qua đã gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nó khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải thay đổi cách vận hành để thích ứng cũng như tồn tại với thời cuộc.
Bằng chứng là nhiều thương hiệu bán lẻ đã nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào các kênh bán hàng trực tuyến và tìm hiểu các chiến lược mới nhằm tiếp cận và thu hút thêm nhiều khách hàng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngay cả trong thời điểm COVID làm tê liệt gần như toàn bộ nền kinh tế cả nước, kinh doanh online Việt vẫn đạt được con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ lên đến 30% mỗi năm, giai đoạn từ 2016-2020. Thị trường này cũng đón chào thêm 40% khách hàng mới lần đầu mua sắm trực tuyến và doanh thu sẽ vượt 15 tỉ USD trong năm nay, theo thống kê của VECOM.
Sự phát triển Internet và các biến động trong đầu năm 2020. Khi dịch bệnh Covid-19 bất ngờ “đổ bộ” đã làm xáo trộn đời sống. Điều này đã khiến hành vi tiêu dùng của chúng ta thay đổi khi khách hàng chuyển từ hình thức mua sắm trực tiếp ngoài shop sang mua sắm trực tuyến.
Đây chính là thách thức nhưng cũng chính là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà bán lẻ, tận dụng cơ hội, xây dựng chiến lược kinh doanh thông minh nhất nhằm bắt kịp xu thế TMĐT, từ đó xóa dần khoảng cách ranh giới giữa shop truyền thống và shop online.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chưa có sàn giao dịch thương mại điện tử, trước mắt các DN, HTX, hộ kinh doanh đã lựa chọn ngày càng nhiều việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh trên các mạng xã hội zalo, facebook..., sử dụng các phần mềm trong sản xuất điều hành, như: Phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng. Một số doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng website riêng và thành lập các fanpage để thúc đẩy tiếp thị, quảng bá, trao đổi thông tin. Sau thời gian ứng dụng trên Internet, hầu hết các DN, HTX đều cho rằng so với phương thức truyền thống, đây là kênh tiếp cận với người tiêu dùng nhanh, hiệu quả nhất, đặc biệt chi phí thấp.
HTX Ba Sạch Hưng Đạo là một trong những HTX có nhiều mặt hàng nông sản được người tiêu dùng tin dùng với 28 mã sản phẩm nông nghiệp được đưa ra thị trường, trong đó, 18 sản phẩm đã được đăng ký công bố chất lượng. Để sản phẩm lưu thông trên thị trường, HTX Ba Sạch đã thực hiện liên kết sản xuất với nông dân các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An… giám sát chặt chẽ các quy trình sản xuất, chế biến, phân loại sản phẩm.
Giám đốc HTX Ba Sạch Hưng Đạo Lại Đức Thứ chia sẻ: Hình thức tiêu thụ sản phẩm nông sản của HTX đang sản xuất thông qua kênh phân phối là hệ thống khách hàng xây dựng trên nền tảng là các cộng tác viên, các chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Thông qua hình thức này, các sản phẩm của HTX đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, các đơn đặt hàng cũng được HTX chủ động điều tiết được cơ cấu sản lượng, đối tượng sản xuất và giúp tăng sản lượng tiêu thụ.
Ông Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, với công nghệ blockchain, sàn thương mại điện tử giúp truy xuất quá trình sản xuất sản phẩm, cho phép người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chế biến từ nông sản tốt hơn từ trang trại đến bàn ăn một cách minh bạch. Đáng chú ý, công nghệ thanh toán nhanh, bảo mật, đi kèm với hợp đồng thông minh, tích hợp công nghệ hiện đại giúp các bên tham gia cùng theo dõi, giám sát chuỗi sản xuất, tiêu dùng theo cách minh bạch nhất.
Sàn thương mại điện tử nông sản có ý nghĩa trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở nước ta, đặc biệt là nông dân và người tiêu dùng có thể tìm thấy nhau thông qua các thông tin được công bố minh bạch nhất. Thông qua các dữ liệu công bố, người tiêu dùng biết được các sản phẩm của các nông dân đang sản xuất, đặc biệt là thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP,… làm cho nhiều quốc gia trên thế giới có thể biết các sản phẩm sản xuất sạch, an toàn của Việt Nam. Từ đó, các nhà đầu tư có thể lựa chọn đến đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam ông Hoàng Xuân Trường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã phấn khởi cho biết, hợp tác xã nhận được đơn đặt hàng từ khắp các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Chỉ tính riêng 2 ngày 8 và 9-8 (tức 2 ngày sau khi sản phẩm chính thức lên sàn giao dịch điện tử), hợp tác xã đã nhận được 15 đơn đặt hàng với số lượng từ 2 - 3 kg/đơn, thậm chí có đơn lên đến 5 kg. Ngay khi các đơn được chốt trên sàn, hợp tác xã sẽ đóng hàng gửi đường bưu điện theo đúng địa chỉ của người đặt. Với sức tiêu thụ như hiện nay, ông Sử hy vọng sẽ lấy lại đà tiêu thụ chè như thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa diễn biến xấu.
Dù chưa chính thức lên sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) đã chuyển đổi phương thức bán hàng thay vì trực tiếp mang sản phẩm đến đại lý, hội chợ thương mại để chào hàng mà đã đăng tải hình ảnh về sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái qua Website của hợp tác xã, các trang mạng xã hội... để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa mà vẫn an toàn dịch bệnh. Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết, cái lợi của kênh bán hàng qua mạng giúp ông giảm công sức, thời gian, chi phí mà lượng sản phẩm vẫn tiêu thụ ổn định. Theo ông Phố, từ đầu năm đến nay kênh bán hàng truyền thống tức là (bán trao tay) chỉ được gần 5 tạ chè khô, song bù lại kênh bán hàng qua mạng lượng hàng tiêu thụ tăng gấp 3 - 4 lần nên sản lượng chè của hợp tác xã làm ra đến đâu vẫn tiêu thụ hết đến đó.
Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản
Hiện đợt dịch thứ 4 vẫn còn lan rộng tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước đã án ngữ nhiều tuyến giao thông huyết mạnh nối các tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại, cửa khẩu. Trong khi đó, nhiều sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính nên có nguy cơ gây áp lực lên việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến chi phí sản xuất tăng cao, hoạt động kinh doanh nông sản bị đứt đoạn, áp lực chi phí lưu kho phục vụ bảo quản nông sản tăng, công tác thông quan, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp, quy định phòng dịch.
Trước những khó khăn, thách thức trên, Bộ NN& PTNT kiến nghị các bộ, ngành, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, thủy sản đồ hộp… chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường sau dịch bệnh; tăng cường liên kết sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tận dụng tốt nguồn lao động tại chỗ giúp nông dân tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam đề nghị trong điều kiện hiện nay, Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ngành Ngân hàng triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù để đối phó với dịch COVID-19, trong đó có chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thuộc diện chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Triển khai các giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất trong ngành Nông nghiệp.
Các bộ, ngành tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố biên giới tăng cường các biện pháp hỗ trợ thương mại, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để xảy ra tình trạng ứ đọng nông sản tại các cửa khẩu; tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản phát triển, mở rộng thị trường. Đồng thời thúc đẩy toàn diện hoạt động tiêu thụ nông sản trong nước thông qua việc đa dạng hóa các biện pháp phân phối sản phẩm, hàng hóa, kích cầu tiêu dùng nông sản.
UBND các tỉnh, thành phố áp dụng nhanh các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản lạnh khi nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ; thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động, kiểm soát tốt việc thu mua để điều hành đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu ngay khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.