Tham dự lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; đồng chí Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Quân khu 9; đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND TP. Cần Thơ; đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; đồng chí Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Cần Thơ; lãnh đạo một số tỉnh khu vực ÐBSCL; lãnh các sở, ngành, quận, huyện trong thành phố; các cơ quan báo, đài cùng đông đảo người dân.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thực Hiện, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm nay có quy mô khoảng 200 gian hàng bao gồm nhiều khu vực với các nội dung trưng bày, quảng bá sản phẩm khác nhau. Đây được xem là nơi tinh hoa hội tụ về ẩm thực, bởi Lễ hội quy tụ rất nhiều nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy và sáng tạo, từng bước tạo cho bánh dân gian một diện mạo và chỗ đứng, hình thành thương hiệu độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Trưởng ban tổ chức Lễ hội phát biểu khai mạc Lễ hội.
Ông Nguyễn Thực Hiện cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các vị đại biểu, khách mời, nghệ nhân các tỉnh, thành phố, quận, huyện; các cá nhân, tổ chức cùng đồng hành, tài trợ cùng toàn thể người dân đã có mặt tham gia, góp phần không nhỏ cho sự thành công của Lễ Hội.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng - Bí thư Thành ủy Cần Thơ, ông Phạm Văn Hiểu – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy – Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ trao cờ lưu niệm cho đại biểu các tỉnh: Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu. Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND, ông Nguyễn Trung Nhân - Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ trao cờ lưu niệm cho đại diện 9 quận, huyện trực thuộc thành phố.
Trưởng ban tổ chức Lễ Hội trao hoa và biểu trưng của Ban tổ chức thay cho lời cảm ơn đến các cá nhân, đơn vị đã cùng đồng hành, có nhiều đóng góp vào sự thành công của Lễ hội.
Chương trình Khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XI năm 2024 đã diễn ra sôi động, hào hứng với Chương trình nghệ thuật hấp dẫn với nhiều tiết mục, ca khúc mang nét đặc chưng, lâu đời, gắn liền với cuộc sống của người dân Nam Bộ.
Tiết mục ca múa “Bánh chưng, bánh giầy”, “Hạt ngọc dâng đời” đã mô tả lại thời kỳ xa xưa, trong công cuộc khẩn hoang mở đất, ngoài số vốn liếng là vật lực, tài lực và sức lực để khai phá cây trồng, làm nên của cải vật chất, ông cha ta còn mang theo trên mình hành trang về văn hóa. Để rồi theo thời gian, bằng sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, các thế hệ tiền nhân đã sáng tạo nên nhiều giá trị mới, mà những chiếc bánh dân gian là minh chứng rõ nét.
Liên khúc ca múa “Những chiếc bánh ngon”, và hai bài hát “Bánh Bông Lan” “Ngợi ca quê hương em” đã kể lại câu chuyện hình thành nên nhiều loại bánh phong phú, mang nét ẩm thực đặc trưng của người dân từng khu vực Nam Bộ, mà nay ta gọi là “Bánh dân gian Nam Bộ”.
Kết thúc chương trình nghệ thuật là liên ca múa “Rộn ràng ngày hội quê hương”, cũng là kết thúc buổi Khai mạc Lễ hội Bánh dân gian lần thứ XI năm 2024.
Có thể thấy, ngoài mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, giá trị bánh dân gian Nam Bộ nói riêng, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ còn là nơi để các doanh nghiệp, nghệ nhân làm bánh giao lưu, chia sẻ. Đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước về xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư phát triển ẩm thực, các sản phẩm đặc trưng của Nam Bộ, góp phần tìm kiếm, tạo điều kiện cho nhiều nghệ nhân tiếp tục phát huy, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân gian, dân tộc.
Một số loại bánh dân gian được giới thiệu, quảng bá và trưng bày tại Lễ hội.
Lê Hải – Đăng Khánh/ VP ĐBSCL.