Tinh hoa gốm Việt rực sáng trong triển lãm “Gốm sứ Đất nước trọn niềm vui”
Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện
Triển lãm “Gốm sứ Đất nước trọn niềm vui”không chỉ là một sự kiện nghệ thuật thông thường mà còn là cuộc hội ngộ thiêng liêng giữa hồn cốt lịch sử dân tộc và bàn tay tài hoa của những nghệ nhân gốm Việt. Mỗi tác phẩm trưng bày là một bản trường ca bằng hình khối và màu men, kể lại những trang sử hào hùng – từ những cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc ngàn năm trước đến chiến thắng 30/4 lịch sử, ngày Bắc – Nam sum họp, đất nước liền một dải.
Triển lãm gốm sứ “Đất nước trọn niềm vui” trưng bày 11 tác phẩm đặc sắc, tái hiện sinh động lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam qua nghệ thuật gốm sứ truyền thống. Triển lãm chia làm hai phần: Phần 1 – Lịch sử hào hùng gồm 8 tác phẩm kể lại các mốc son chói lọi trong quá trình dựng nước và giữ nước như Con Rồng Cháu Tiên, Hùng Vương dựng nước, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Chiến trận Bạch Đằng, Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, và Quang Trung đại phá quân Thanh. Phần 2 – Hẹn Ước Bắc Nam là 3 tác phẩm hướng đến giai đoạn hiện đại, với trọng tâm là đại thắng mùa xuân 1975 và hành trình thống nhất đất nước: Đất nước trọn niềm vui (bức tranh panorama 3D bằng sứ kích thước 2m x 8m), Huyền thoại đường Trường Sơn và Đường Hồ Chí Minh trên biển. Mỗi tác phẩm không chỉ là một công trình nghệ thuật, mà còn là bản hùng ca đất Việt được kể bằng men gốm – tri ân hồn thiêng sông núi.
Khi trà và gốm cùng kể chuyện Việt Nam
Bên cạnh không gian gốm sứ, Không gian Văn hóa Trà Việt cũng góp phần tôn vinh chiều sâu văn hóa Việt Nam. Được bố trí hòa quyện trong tổng thể chương trình “Hẹn Ước Bắc Nam”, khu vực này mang đến một trải nghiệm thanh tao, chậm rãi, nơi nghệ thuật thưởng trà truyền thống gặp gỡ tinh thần đoàn kết và sự hòa hợp Bắc – Trung – Nam. Từng chén trà, từng bộ ấm chén gốm Việt được nâng niu, không chỉ là biểu tượng cho sự tĩnh lặng và sâu lắng của người Việt, mà còn là lời nhắn nhủ về gìn giữ nét đẹp truyền thống giữa thời đại hội nhập.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam tại sự kiện
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, chia sẻ: “Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi mong muốn Không gian Văn hóa Trà Việt không chỉ là nơi thưởng trà, mà còn là không gian lan tỏa chiều sâu văn hóa. Đây là nơi hồn trà gặp hồn gốm, nơi con người Việt Nam – dù ở miền Bắc, Trung hay Nam – cùng kết nối qua những giá trị truyền thống bền vững. Giữa hương trà thanh khiết và men gốm mộc mạc, chúng tôi hy vọng mỗi người tham dự sẽ tìm thấy một phần bản sắc dân tộc trong chính những điều bình dị nhất.”
Không gian Trà Việt không tách rời khỏi tổng thể của triển lãm gốm sứ, mà chính là phần mở rộng tinh tế, giúp công chúng cảm nhận rõ hơn mối liên kết giữa nghệ thuật và đời sống. Trà và gốm – hai lĩnh vực tưởng chừng riêng biệt – trong không gian này lại đồng thanh lên tiếng, như một bản giao hưởng hài hòa về văn hóa Việt. Nếu gốm mang hơi thở đất và lửa, thì trà mang hương vị của núi rừng và nắng gió. Gặp nhau trong cùng một không gian, chúng kể lại câu chuyện của non sông, của tình người, của khát vọng trường tồn.
Triển lãm “Đất nước trọn niềm vui” và Không gian văn hóa Trà Việt không chỉ là dịp để tôn vinh tinh hoa dân tộc, mà còn là cách kể chuyện lịch sử đầy lắng đọng, sâu sắc – qua men gốm, hương trà và tình yêu quê hương đất nước.