Dù mới được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (tháng 9/2022) nhưng sầu riêng Việt Nam được kỳ vọng trở thành loại trái cây có giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Giá trị sầu riêng xuất khẩu tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với trước đây đã tạo động lực mạnh mẽ để người nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các quy trình quản lý, kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Qua đó, số lượng các vùng trồng đạt chuẩn sẽ ngày càng được nâng cao.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến mỗi năm, có ít nhất 68.000 tấn sầu riêng "made in Vietnam" được bày bán tại các cửa hàng, chuỗi siêu thị của Trung Quốc. Tuy nhiên, để trái sầu riêng mang về giá trị tỷ USD, cần có những giải pháp mang tính bài bản, chuyên sâu, nhằm phát triển mặt hàng này một cách bền vững, cũng như phòng chống các rủi ro trong thương mại.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chi phí logistic và hạ tầng phục vụ xuất khẩu vẫn là “điểm trừ” của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung. Trong khi đó, việc Trung Quốc đã khai thông đường sắt tới Lào và Thái Lan mới đây, đã rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa, nông sản xuống còn 1 ngày và giảm chi phí tới hơn 20%. Đây là bài toán cạnh tranh lớn của nông sản Việt khi thâm nhập vào thị trường 1,4 tỷ dân này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng việc Trung Quốc mở cửa thị trường từ ngày 8/1 là tin mừng song cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Bởi các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao, đặc biệt là yêu cầu từ lệnh 248 và 249. Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm theo các yêu cầu kỹ thuật, kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu.
"Các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của phía bạn. Về thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các đơn vị như ban quản lý cửa khẩu để biết tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản thời gian thông quan và chi phí vận tải", ông Nam lưu ý và yêu cầu Cục Chăn nuôi sớm trình thông tư hướng dẫn về xác định mã số nhà nuôi yến, hang nuôi yến để sớm hoàn tất các thủ tục.
Cũng theo ông Nam, có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.
Trong đó, bảy sản phẩm đã có nghị định thư và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện chuẩn hóa các nghị định thư cho khoai lang, ớt. Các địa phương có diện tích lớn về ớt, khoai lang và chanh leo cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả... Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phối hợp về cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng.
"Đây là vấn đề đặt ra cho nông sản Việt Nam, nếu doanh nghiệp không cải tiến chất lượng, bảo đảm mẫu mã và giảm chi phí. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần phối hợp để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới", ông Nam chia sẻ.
PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, cả hai nước Việt - Trung cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu. Đồng thời, tăng cường hợp tác, đầu tư kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản tại khu vực hai bên biên giới của mỗi nước.
Đề cập giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn khuyến cáo, các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Với DN, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, DN phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
Hoài Anh (t/h)