“Trà cụ” là tên gọi chung cho những vật dụng dùng trong quá trình pha và thưởng trà – từ khâu chuẩn bị, pha trà cho đến khi rót ra chén và nhâm nhi từng ngụm nhỏ. Nếu như trà đạo là một nghi lễ mang tính thiền định thì trà cụ chính là những “nghệ sĩ” âm thầm góp phần tạo nên sự hoàn mỹ cho từng buổi trà đàm.
Không chỉ dừng lại ở công năng sử dụng, trà cụ còn là hiện thân của cái đẹp, của văn hóa, của sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Qua các thời kỳ lịch sử, trà cụ cũng thay đổi, được chế tác tinh xảo hơn, mang trong mình hơi thở của nghệ thuật và dấu ấn của từng thời đại.
Khác với việc uống trà đơn thuần để giải khát hay thưởng thức hương vị, khi một người bắt đầu quan tâm đến trà cụ, nghĩa là họ đã bước vào thế giới của nghệ thuật thưởng trà – nơi mỗi hành động đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Từ việc chọn ấm, rót nước, ngửi hương, đến cách rót từng chén trà – mọi thứ trở thành một nghi lễ chậm rãi, tĩnh lặng và đầy thi vị.
Trà cụ không có quy chuẩn cứng nhắc, mà được lựa chọn tùy theo sở thích cá nhân, phong cách thưởng trà và loại trà được dùng. Nhưng nhìn chung, một bộ trà cụ cơ bản gồm: ấm trà, chén tống, chén quân, khay đựng trà, lọc trà, hủ đựng trà, thuyền trà (kháo trà) và bộ trà cụ.
Ấm trà
Ấm trà hiện nay có nhiều mẫu mã độc đáo, kích thước khác nhau tùy theo sở thích và nhu cầu sử dụng. Có 2 loại ấm đó là: ấm lưu hương và ấm không lưu hương.
Ấm lưu hương sau khi uống rửa sạch thì sẽ không còn lưu lại hương trà hoặc chỉ lưu lại rất ít hương trà. Chất liệu của ấm được làm từ gốm sứ, thủy tinh hoặc kim loại.
Còn nếu bạn là người ưa thích hương thơm của từng loại trà khác nhau thì nên sử dụng ấm lưu hương bởi sau mỗi lần uống, hương thơm của trà vẫn còn lưu lại rất lâu. Ấm lưu hương thường được làm bằng đất nung, sơ mộc và uống trà xong không cần phải rửa ấm, men trà sẽ ngày càng dày, càng bóng sau nhiều lần sử dụng. Ấm trà lưu hương dùng được càng lâu sẽ càng quý.
Chén tống
Chén tống hay còn gọi là chén tướng, chén chuyên là một loại chén to dùng để chuyên trà ra các chén con. Chén tống được làm từ đất nung và có tráng sứ men, có nắp đậy ở trên và bên dưới có đĩa lõm để kê vừa khít với chân cốc.
Chén tống có công dụng giúp nước trà được trộn đều, đồng thời lọc được cặn trà, giúp nước trà trong hơn. Bên cạnh đó, chén tống còn giúp làm giảm nhiệt độ của nước trà khi thưởng thức. Khi lựa chọn chén tống, nên lựa chọn theo dung tích của ấm trà.
Chén quân
Chén quân là chén con dùng để thưởng trà. Việc lựa chọn chén quân rât quan trọng vì nó phải đồng nhất với màu ấm để đảm bảo sự đồng bộ, ấm tử sa thì chọn chén tử sa, ấm sành sứ thì dùng chén sành sứ.
Khay đựng trà
Khay đựng trà dùng để lót đựng ấm chén trà và các đồ dùng khi pha trà. Khay trà thường được làm bằng chất liệu gỗ, tre, đất nung, đá,… Nên lựa chọn khay trà giản dị, dễ vệ sinh, chất liệu bền, có tính thẩm mĩ cao, ít chi tiết cầu kỳ gây rối mắt
Lọc trà
Lọc trà có tác dụng lọc cặn, xác trà nhỏ để nước trà trong và đẹp mắt hơn. Phần quan trọng nhất của lọc trà đó là phần lưới lọc được làm bằng tơ hoặc sợi kim loại. Lưới lọc có các lỗ nhỏ giúp giữ lại các sợi trà và bụi bẩn trong trà và nước.
Hủ đựng trà
Hủ đựng trà giúp cho việc bảo quản trà tốt hơn. Nên chọn hủ đựng trà được làm bằng đất nung, nắp kín, hạn chế ánh sáng trực tiếp chiếu vào để trà giữ được hương vị tốt nhất.
Thuyền trà (kháo trà)
Kháo trà là một chiếc bát dùng đựng nước sôi để vệ sinh và làm nóng các dụng cụ trước khi pha trà. Kháo trà đồng thời cũng được sử dụng để bỏ nước tráng trà và bã trà sau khi dùng.
Dụng cụ lấy trà
Hộp trà: Giống như ống đựng bút, dùng để đựng các đồ dùng để pha trà khác cho gọn gàng.
Muỗng trà (nong trà): Dùng để trộn lấy các lá trà cho vào trong ấm trà một cách thuận tiện và hợp vệ sinh.
Gắp trà (kẹp trà): Là dụng cụ dùng để gắp chén trà trong quá trình rửa và chần chén qua nước nóng để tránh bỏng và hợp vệ sinh. Ngoài ra nó còn giúp kẹp lấy các lá trà ra khỏi ấm.
Phễu trà: Dùng để đặt trên miệng ấm trà, để cho trà vào trong ấm không bị rơi ra ngoài.
Kim trà: Trong ấm trà thường có tấm lưới lót bên trong, hoặc các lỗ tổ ong ở vị trí tiếp giáp giữa thân và vòi ấm trà. Khi lưới hoặc các lỗ bị tắc do trà thì kim trà là dụng cụ được sử dụng để giúp lưu thông dòng chảy. Ngoài ra kim trà còn được dùng để trộn các lá trà trong ấm trà.
Thìa lấy mẫu trà: Là dụng cụ dùng để lấy trà cho vào ấm trà, thường được làm bằng tre, lượng trà lấy được thường nhỏ hơn khoảng 10-15 lần so với muỗng trà.