Năm 2024 - Một năm bứt phá của Nông nghiệp Việt Nam
Năm 2024, có thể nói ngành nông nghiệp thực hiện Kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc; tuy nhiên, với tinh thần "trách nhiệm, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả"; nhất là sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và đồng thuận của cả xã hội… ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức để vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Đặc biệt, xuất khẩu nông lâm thủy sản là một điểm sáng, đánh dấu những cột mốc quan trọng của ngành nông nghiệp khi bước vào kỷ nguyên mới.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sự chuyển mình của ngành nông nghiệp là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền bỉ và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Việc khắc phục hạn mặn, khôi phục nhanh chóng sau thiên thai, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo động lực cho ngành phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc ký kết các nghị định thư, cam kết mở cửa thị trường tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đột phá.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông thôn Việt Nam cho thấy, năm 2024 giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính: 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi: 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính: 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản: 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 sản phẩm so với năm 2023).
Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỉ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Ngành chuyển đổi mạnh tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản. Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Còn nhớ khi Ấn Độ tuyên bố tạm thời "rời" đường đua xuất khẩu gạo vào tháng 7/2023 do lo ngại hạn hán có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đã có rất nhiều nước đặt vấn đề mua gạo của Việt Nam. Đó là lúc hạt gạo Việt Nam trở thành chủ đề được các nguyên thủ quốc gia đưa lên bàn đàm phán. Từ đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của một quốc gia có đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực thế giới. Lần đầu tiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam mốc khoảng 9 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 6 tỷ USD. Đây không phải là con số có được trong một sớm một chiều, mà là kết quả của một quá trình chuyển đổi sản xuất bền bỉ trong nội tại ngành lúa gạo từ sản xuất chạy theo sản lượng đến tập trung vào chất lượng với nhóm giống lúa chất lượng cao. Con số xuất khẩu 9 triệu tấn gạo của hôm nay cho thấy ngành lúa gạo đã chuyển đổi đúng hướng, từng bước định vị lại hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Tương tự như vậy, năm nay, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả lập một kỷ lục "vô tiền khoáng hậu", với trên 7 tỷ USD, nhất là từ sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thì mặt hàng trái cây thực sự bùng nổ. Những con số ấn tượng này không chỉ phản ánh sự nỗ lực trong chuyển đổi mô hình sản xuất mà còn là minh chứng cho sự phát triển bền vững và chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm của ngành nông sản Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, trong đối ngoại cả song phương và đa phương, nông nghiệp là một trong những ngành thế mạnh hàng đầu để Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế, đóng góp trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, cũng là niềm tự hào của Việt Nam về tăng trưởng và phát triển.
Trong đối ngoại cấp cao, các nước đều bày tỏ ngưỡng mộ với sự phát triển của ngành nông nghiệp của Việt Nam. Như trong cơ chế hợp tác G20 với những nền kinh tế hàng đầu thế giới, nông nghiệp là lĩnh vực duy nhất mà chúng ta luôn luôn được G20 đề xuất hợp tác và có cơ chế hợp tác thường xuyên.
Các nước G20 mong chúng ta tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu để bảo đảm an ninh lương thực. Bộ Ngoại giao đề xuất cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch và triển khai công tác ngoại giao nông nghiệp trong năm 2025.
Tăng tốc, bứt phá và tăng trưởng 2 con số trong năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích của cả nhiệm kỳ 2021-2025, năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Do đó, ngành phải tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất trên 8% và phấn đấu đạt 2 con số trong năm 2025.
Về các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,5-4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phấn đấu đạt 70 tỷ USD; tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 60%; tỉ lệ che phủ rừng 42,02%...
Để đạt các mục tiêu này, Thủ tướng đề xuất 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có hoàn thiện thể chế, chính sách; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh; mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam.
Thủ tướng cũng gợi mở cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển nhanh, bền vững cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc ứng khoa học-công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp để góp phần xây dựng nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản và chuỗi cung ứng, đồng thời cũng phải chú ý đến việc ứng phó kịp thời với diễn biến từ thị trường. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đặc biệt nuôi trồng chế biến thủy sản để gia tăng giá trị sản phẩm.
Thủ tướng tin tưởng với động lực, khí thế mới, nền tảng trong những năm qua, truyền thống lịch sử hào hùng của người nông dân, nền văn minh lúa nước, sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể trong ngành, sự hợp tác của các bộ, ngành, cơ quan, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra, góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, trong năm 2025, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Để xuất khẩu bền vững hơn, cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp. “Đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được xa hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Để xuất khẩu bền vững hơn, Hiệp hội Rau quả cho rằng cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Theo ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu các mặt hàng nông sản có triển vọng tăng trưởng tích cực trong quý I/2025. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm toàn cầu dự kiến tăng cao do nguồn cung tại nhiều quốc gia bị gián đoạn bởi xung đột vũ trang và sự cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc.
Nhận định dư địa tăng trưởng còn nhiều, song ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, cho rằng: "Xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng còn không ít thách thức phía trước khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh bền vững".
Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, vị này đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Qua đó giúp đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Trong đó, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các quy định kỹ thuật trong xuất khẩu.