Khó khăn của trẻ tự kỷ khi nghỉ can thiệp do dịch COVID-19

Đối với trẻ tự kỷ, việc can thiệp trị liệu tâm lý đóng vai trò quan trọng đối với khả năng phát triển và hòa nhập. Bình thường các trẻ tự kỷ có thể can thiệp cả ngày tại các trung tâm chuyên biệt hoặc vừa học hòa nhập vừa tham gia các hoạt động can thiệp trị liệu tâm lý. Tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh, các cơ sở can thiệp phải tạm nghỉ, trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó còn là những nỗi lo từ phụ huynh, nỗi lo từ các cô giáo.

Phụ huynh có con là trẻ tự kỷ cần làm gì để giúp trẻ thích nghi được với cuộc sống trong mùa dịch? - Ảnh: Pixabay.
Phụ huynh có con là trẻ tự kỷ cần làm gì để giúp trẻ thích nghi được với cuộc sống trong mùa dịch? - Ảnh: Pixabay.

Cô Vũ Mai, giáo viên can thiệp tâm lý tại một trung tâm chuyên biệt cho biết: Đối với trẻ tự kỷ, việc được can thiệp đều hàng ngày là rất quan trọng. Theo kinh nghiệm dạy cho thấy, cứ mỗi đợt nghỉ hè, hoặc nghỉ cuối tuần về là con có biểu hiện thoái lui, chậm phát triển hơn và xuất hiện nhiều triệu chứng hành vi hơn, khiến việc can thiệp phải mất nhiều ngày sau đó con mới vào được nền nếp. Trong khi đó tình hình dịch và trung tâm đã nghỉ từ hơn 5 tháng nay, sẽ rất khó khăn cho con cũng như cho gia đình khi trẻ ở nhà dài ngày.

Cùng tâm trạng đó, một phụ huynh có trẻ tự kỷ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, từ đợt nghỉ dịch đến giờ, bé chủ yếu ở nhà và không được đi can thiệp. Bố mẹ chỉ biết dạy con những bài tập theo giáo án của trung tâm. Nhưng con ít nghe lời bố mẹ. Con thích chơi tự do, thích xem tivi. Càng ngày bé càng có biểu hiện kém vui vẻ, ít tương tác hơn. Sau mỗi đợt nghỉ dài ngày, các cô gặp rất nhiều vất vả để phát triển các kỹ năng tương tác và hạn chế hành vi cho con. Nên gia đình rất lo lắng. Mong nhanh hết dịch để bé có thể quay lại lớp can thiệp.

Phóng viên có cuộc trao đổi với Th.S, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hà - Giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội xung quanh vấn đề này.

-Trẻ tự kỷ thường có những biểu hiện gì và cần thực hiện các hoạt động can thiệp như thế nào?

Theo tổ chức Y Tế Thế giới (2008) Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường được phát hiện trong 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do một loại rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng của não bộ.

Dấu hiệu rõ ràng nhất ở trẻ tự kỷ là khó khăn trong việc giao tiếp xã hội và xuất hiện các hành vi định hình. Ngôn ngữ của trẻ phát triển chậm hơn so với trẻ thường, trẻ thường phát âm những âm vô nghĩa và lặp đi lặp lại. Với những trẻ tự kỷ có lời nói thì thường phát âm những âm đơn điệu, nhại lời người khác và hầu như không chủ động thể hiện nhu cầu bằng lời nói.

Với các trẻ tự kỷ cần phải được can thiệp từ rất sớm, có thể bắt đầu can thiệp càng sớm càng tốt, và hoạt động can thiệp cần liên tục, không ngắt quãng. Trẻ có thể cần được can thiệp tầm 4h/ngày và tập trung đầy đủ vào vào các lĩnh vực như: vận động, giao tiếp, nhận thức và tự phục vụ.

- Thời gian nghỉ dịch kéo dài ảnh hưởng như thế nào đến trẻ tự kỷ và gia đình trẻ tự kỷ?

Việc không được thực hiện liên tục hoạt động học tập và can thiệp trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ có thể gây ra sự gián đoạn và thiếu liên tục trong quá trình phát triển của trẻ. Có một số trẻ tự kỷ khi ở nhà không có môi trường giao tiếp hoặc sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử cũng dẫn đến suy giảm chức năng về mặt giao tiếp.

Ngoài ra việc phải ở trong nhà trong một thời gian quá dài, không có môi trường để tương tác, không có không gian để vui chơi, chạy nhảy cũng tác động rất lớn đến vấn đề sức khoẻ tinh thần của trẻ. Khiến cho trẻ có thể căng thẳng và xuất hiện nhiều các hành vi gây hấn như đập phá đồ đạc, dễ cáu gắt, khóc ăn vạ, thu mình...

Việc này cũng ảnh hưởng rất lớn đối với việc chăm sóc và dạy dỗ gia đình trẻ, đặc biệt là những trẻ chưa có khả năng tự chăm sóc bản thân. Gia đình vừa phải đảm nhận vai trò chăm sóc, vừa phải đảm nhận vai trò dạy trẻ trong một thời gian dài gây nên nhiều áp lực và xáo trộn đối với phụ huynh.

- Việc tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử như ti vi, ipad, điện thoại... trong thời gian giãn cách có ảnh hưởng như thế nào đối với trẻ tự kỷ?

Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội. Việc sử dụng các thiết bị điện tử trong một thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng trẻ thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Trẻ thiếu hứng thú với các hoạt động vui chơi và vận động, làm gia tăng khoảng cách giữa trẻ và các thành viên trong gia đình, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ.

Trẻ chỉ tập trung chú ý vào các chương trình trên ti vi có thể bị suy giảm khả năng chú ý ở các hoạt động khác. Ngoài ra việc ngồi xem chăm chú các thiết bị điện tử cũng là nguy cơ dẫn đến tình trạng mắc các bệnh như tim mạch, béo phì hoặc một số các bệnh lý về mắt ở trẻ.

- Vậy làm thế nào để phụ huynh có thể dạy con và tương tác hiệu quả với con tại gia đình?

Dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài, trường học vẫn có thể bị đóng cửa. Chúng ta chưa biết được thời gian nào có thể quay lại chính vì vậy phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý và chủ động trong việc dạy con tại nhà. Phụ huynh có thể dạy con mọi lúc, mọi nơi.  

Phụ huynh có thể bắt đầu bằng việc dạy con làm việc nhà ví dụ như yêu cầu trẻ đi lấy đồ cho bố mẹ, thực hiện các mệnh lệnh đơn giản như đi đóng cửa, đi mở cửa, thu dọn đồ chơi sau khi chơi hoặc  làm phụ bếp cho người lớn khi nấu ăn. Thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ, bố mẹ cố gắng giao tiếp nhiều nhất với trẻ gắn với tình huống đó, ví dụ khi cho trẻ ăn cơm, bố mẹ sẽ nói với trẻ các thông đẹp gắn liền với hoạt động đó như “măm”, “ăn”, “ngon”, “cá”, “thịt”….

Bố mẹ có thể tổ chức các hoạt động vận động và lôi kéo con tham gia cùng như trò chơi đá bóng trong nhà, nhảy theo nhạc. Hoặc có thể dạy trẻ chơi các trò chơi giả vờ như nấu ăn, làm bác sỹ, bán hàng. Ngoài ra bố mẹ có thể chơi cùng con các trò chơi dân gian mang tính tương tác cao như trò chơi chi chi chành chành, trò chơi kéo cưa lừa xẻ. 

Tuy nhiên phụ huynh luôn phải ghi nhớ trẻ con học được nhiều nhất thông qua hoạt động chơi, mà đã chơi thì phải vui. Vì vậy phụ huynh đừng quá áp lực việc phải dạy trẻ tự kỷ cái gì, hãy chú trọng tổ chức các trò chơi hấp dẫn để lôi kéo trẻ tham gia, phụ huynh cần chơi cùng trẻ chứ không để trẻ chơi một mình, và từ đó phụ huynh dạy trẻ những thứ liên quan đến trò chơi.

- Phụ huynh có con là trẻ tự kỷ cần làm gì để giúp trẻ thích nghi được với cuộc sống trong mùa dịch?

Để có thể giúp các con thích nghi được với cuộc sống trong mùa dịch, bố mẹ cần giải thích với các con các thông tin đơn giản về tình hình dịch bệnh để giúp các con hiểu hơn và hướng dẫn cho con quy tắc 5K để tự bảo vệ mình. Trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn hơn trong việc hiểu ngôn ngữ nên bố mẹ có thể sử dụng nhiều hình vẽ, tranh ảnh, hoặc sử dụng câu chuyện xã hội để chia sẻ với con. Việc hiểu về dịch bệnh có thể giúp một số bạn không cảm thấy khó chịu và bí bách khi không được ra ngoài chơi trong một khoảng thời gian dài và tạo được tâm thế chủ động cho trẻ.

Phụ huynh cần xây dựng cho trẻ thời gian biểu và khuyến khích trẻ sinh hoạt đúng theo lịch sinh hoạt hàng ngày. Một số trẻ tự kỷ dễ bị rối loạn giấc ngủ vì vậy cần tránh trường hợp bố mẹ thấy con nghỉ học thì cho con ngủ dậy muộn vào buổi sáng, dẫn đến buổi trưa con không ngủ được, buổi tối lại ngủ muộn hơn. Phụ huynh cần xây dựng các hoạt động phù hợp với khung giờ, đan xen giữa giờ học và giờ chơi của con, khuyến khích con có các hoạt động vận động thể chất phù hợp. Thời gian biểu nên được thể hiện bằng hình ảnh rõ ràng để trẻ có thể hiểu và dễ dàng thực hiện được. Khi trẻ thực hiện tốt, bố mẹ cần có những lời khen, động viên hay phần thưởng để khuyến khích trẻ.

Với các trẻ lớn, có thể tham gia học trực tuyến, phụ huynh cần tạo không gian học tập riêng biệt cho trẻ, tránh các hoạt động làm xao nhãng lúc trẻ đang học bài. Phụ huynh theo sát quá trình học tập của con để có sự trợ giúp khi cần. Ngoài ra phụ huynh cần có các hướng dẫn cụ thể các thao tác thường sử dụng khi học trực tuyến như giơ tay phát biểu, khi trả lời câu hỏi, khi đặt câu hỏi cho cô giáo hoặc các quy định cần có khi ngồi học để trẻ không bị bỡ ngỡ. Phụ huynh hỗ trợ trẻ thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về nhà và chuẩn bị trước khi học bài mới.

Thu Trang