Đối với trẻ chậm nói và các trẻ mắc các hội chứng tự kỷ, ngoài việc trẻ có thể tham gia học ở các trường mầm non còn có một hình thức quan trọng nữa là các trẻ cần được can thiệp - trị liệu về tâm lý bởi các chuyên gia tâm lý, các trị liêu viên tâm lý. Tuy nhiên do nghỉ dịch dài ngày, bé không được đến trường và cũng dừng luôn các hoạt động can thiệp khiến nhiều gia đình gặp khó khăn và lúng túng khi dạy con ở nhà.
Chị Lan Anh, ở thành phố Hà Tĩnh chia sẻ, gia đình có bé nay đã 3 tuổi, chưa biết nói từ đơn, mới đi mầm non được tuần thì nghỉ dịch. Gia đình cho bé đi học mầm non với hy vọng tiếp xúp với các bạn cùng tuổi bé có thể nói được. Nhưng do nghỉ dịch liền vài tháng gần đây, bé lại bị chậm hơn, khiến gia đình lo lắng. Không biết nên cho bé đi học mầm non hay học can thiệp tại trung tâm.
Trong khi đó, do ở tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và nhiều tháng liền phải nghỉ dịch không đưa đón bé đi can thiệp được, do không có xe buýt đi vào thành phố Hà Tĩnh. Chị Ngọc chia sẻ: “Bé nhà mình mới được đánh giá tâm lý và gặp vấn đề chậm nói. Bé đã gần 3 tuổi nhưng chỉ nói được khoảng 2 - 3 từ đơn và chưa biết thể hiện nhu cầu. Được các chuyên gia tư vấn cho bé học can thiệp tâm lý ở Trung tâm Giáo dục Ngày Mới ở thành phố Hà Tĩnh, nhưng bé mới học được 1 tuần thì lại phải nghỉ phòng dịch.
Khi học được một tuần dần dần bé ngoan và biết nghe lời hơn, nói bắt đầu hiểu và thích chơi với mọi người hơn. Bé nói được từ nào cũng hứng thú và thường xuyên nhắc đi nhắc lại từ đó, gia đình rất vui. Nhưng vì điều kiện nghỉ dịch dài cả tháng nên bé lại theo nếp cũ, bắt đầu thích xem tivi, lười nói chuyện và ít nghe lời hơn, lười ăn hơn, thường ăn vạ khi không được đáp ứng yêu cầu.
Thấu hiểu trước những khó khăn của phụ huynh có trẻ chậm nói khi phải nghỉ can thiệp dài ngày, chia sẻ với chúng tôi, Ông Hoàng Văn Quyết, Giám đốc Trung tâm Ngày Mới mách nước một số biện pháp cho gia đình cùng hỗ trợ bé trong thời gian nghỉ dịch.
- Theo ông, trẻ chậm nói đang gặp những khó khăn gì khi ở nhà dài ngày và thiếu môi trường học ở mầm non hoặc ở các trung tâm can thiệp sớm?
Chậm phát triển ngôn ngữ, hay chậm nói là khi trẻ có sự phát triển về ngôn ngữ theo đúng trình tự phát triển nhưng với tốc độ chậm hơn so với các trẻ bình thường, khiến tuổi phát triển của trẻ thường yếu hơn các trẻ khác và gặp khó khăn khi giao tiếp với người khác.
Ngôn ngữ là phương tiện dùng để thể hiện và tiếp nhận thông tin, thông qua lời nói hoặc cử chỉ (ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ tín hiệu). Ngôn ngữ là thước đo thể hiện trí thông minh, vì vậy rối loạn phát triển ngôn ngữ thường nghiêm trọng hơn so với rối loạn lời nói. Ba thành phần chính của lời nói đó là: việc phát âm, giọng nói và sự lưu loát.
Trẻ chậm nói cần được hướng dẫn và hỗ trợ nhiều về các kỹ năng. Ở giai đoạn này, trẻ cần được cầm tay chỉ việc, được học tập, vui chơi và trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau ở những môi trường khác nhau như ở lớp, ở trường, cùng các bạn… nhưng vì điều kiện dịch bệnh khiến trẻ phải ở nhà cả ngày, hoặc thường xuyên ở một mình, thiếu sự kết nối với người lớn. Hoặc xem nhiều tivi, điện thoại khiến trẻ có thể gây “nghiện” và hạn chế hơn các khả năng ngôn ngữ.
Vì vậy khi bé không được đi học mầm non hoặc học can thiệp chậm nói, sẽ gây ra những nguy cơ khác nhau, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sự phát triển bình thường của trẻ.
- Những biểu hiện tâm lý ở trẻ chậm nói khi ở nhà với gia đình dài ngày?
Khi trẻ gặp vấn đề chậm nói, trẻ sẽ khó khăn trong việc thể hiện nhu cầu, mong muốn. Nếu dưới 1 tuổi, khi có nhu cầu trẻ chỉ cần khóc là bố mẹ hiểu và đáp ứng nhu cầu. Thì khi lên đến 2 - 3 tuổi, không gian hoạt động của bé càng rộng và nhu cầu càng nhiều. Nhưng trẻ chậm nói sẽ không thể hiện được nhu cầu, mong muốn bằng lời nói. Điều đó sẽ sinh ra các vấn đề cảm xúc tiêu cực ở bé như khóc, ăn vạ, đòi hỏi… lâu ngày hình thành nên những thói quen và cách ứng xử không phù hợp ở trẻ.
Ngoài thể hiện nhu cầu, trẻ còn gặp các vấn đề về tương tác với mọi người xung quanh. Khi nhu cầu của con không được đáp ứng, hoặc gia đình không biết cách để chơi với con, tương tác với con. Dần dần mối quan hệ, tương tác giữa bố mẹ với con ngày càng yếu dẫn đến những nguy cơ chậm ngày càng chậm, nguy cơ bé thích chơi một mình, hạn chế kết nối với mọi người xung quanh và gây ra nhiều phiền toái cho bố mẹ khi chăm con.
Mặt khác trẻ có thể dẫn đến việc thu mình vào những môi trường khác nhau như có bé sẽ nghiện xem điện thoại hoặc tivi, có trẻ chỉ gắn bó với một đồ vật nào đó như “em búp bê”, “ em gấu bông”, hay một chiếc ô tô đồ chơi,… và bé thường có thể chơi được với nó cả ngày không chán, thậm chí giờ ngủ cũng phải cầm trong tay thì mới ngủ.
Việc gắn bó quá mức với một đồ vật nào đó, cho thấy bé đang gặp khó khăn tâm lý trong kết nối với mọi người, cũng như sự thất bại của người lớn trong việc xây dựng các mối quan hệ, tương tác có hiệu quả với bé. Điều này lâu ngày dẫn đến thói quen như tương tác một chiều, hạn chế nói với người khác, không biết cách chơi với các bé khác khi đi học ở mầm non… Cũng là những nguyên nhân khiến bé bị chậm nói và bị cô lập ở lớp học.
- Vậy khi đó phụ huynh cần làm gì để giúp bé phát triển trong điều kiện khi các bé mầm non vẫn chưa được đi học hoặc trẻ vẫn chưa được đến các trung tâm can thiệp?
Nhiều phụ huynh đã liên lạc và chia sẻ với tôi ở Trung tâm Ngày Mới về câu hỏi này, việc làm như thế nào để dạy, can thiệp chậm nói cho bé ở nhà luôn là một bài toán với các bố mẹ. Tuy nhiên một số gợi ý sau có thể cùng bố mẹ điều chỉnh hiệu quả hơn các phương pháp dạy con ở nhà trong mùa dịch.
Trước tiên cần đánh giá và nhìn nhận mức độ phát triển của trẻ đã phù hợp chưa. Nhiều bố mẹ không phát hiện ra hoặc không coi trọng việc giúp trẻ phát triển đúng độ tuổi, hoặc thường xuyên làm thay mọi việc cho bé hoặc đáp ứng mọi nhu cầu cho trẻ. Tuy nhiên khi không phát hiện ra chậm nói ở trẻ và thường xuyên đáp ứng mọi nhu cầu khiến bé thiếu đi môi trường được tự lập, tự làm các việc trong khả năng và đến 3 - 4 tuổi bé rất vụng về trong mọi hoạt động, cũng như chậm hơn các bạn cùng độ tuổi rất nhiều.
Khi xác định được đặc điểm và mức độ phát triển của trẻ. Bố mẹ cần lưu ý đến độ tuổi, tìm hiểu xem ở mỗi độ tuổi, trẻ cần làm được gì về vận động, làm được gì về ngôn ngữ, về kỹ năng chơi, kỹ năng tương tác… từ đó xác định năng lực của bé và có những bài dạy phù hợp với trẻ theo độ tuổi.
Đối với trẻ chậm nói, “liều thuốc” quan trọng nhất có lẽ là “liều thuốc tương tác” và bài học quan trọng nhất có lẽ là “bài học được trải nghiệm”. Bố mẹ cần biết lắng nghe con, chờ đợi con, hướng dẫn và mớm lời, mớm ý cho bé. Sử dụng lời nói đơn giản, lời nói gắn với hành động hoặc hình ảnh. Nhiều bố mẹ vì nói quá nhiều nên cướp mất cơ hội được nói của con, vì thiếu kiên nhẫn nên không lắng nghe và chờ đợi con nói, bởi khi mới bắt đầu tương tác, bắt đầu học từ vựng thì mỗi câu, mỗi từ của trẻ cần có thời gian để xử lý thông tin, có thời gian để hiểu câu, từ, sau đó mới có phản hồi. Quá trình này chậm hơn rất nhiều đối với trẻ đã làm chủ được vốn từ, làm chủ được khả năng giao tiếp. Do đó trong mọi hoạt động tương tác, bố mẹ cần lắng nghe và gợi ý ngắn gọn và chờ đợi con, cho con có cơ hội được nói.
Mặt khác, khi trẻ chậm nói có thể kéo theo việc làm cái gì cũng chậm. Mặc quần áo cũng chậm, đi dày dép hướng dẫn nhiều lần nhưng vẫn chậm, hoặc sai con lấy được cái gì thì phải nói đi nói lại cả năm lần bảy lượt con mới lấy được, nên nhiều bố mẹ đã làm thay con, thay vì nhờ con.
Tuy nhiên, khi điều kiện dịch và ở nhà dài ngày, bố mẹ cần thay đổi thói quen. Cho con nhiều thời gian hơn, cho con nhiều cơ hội hơn để được làm các việc vặt ở nhà, hướng dẫn con kỹ hơn trong các kỹ năng đơn giản từ đi dày dép, mặc quần áo đến tự xúc ăn, đến việc lấy giúp cho bố mẹ cái này cái kia trong nhà. Nhờ mỗi lần con làm được và khen thưởng con, khiến con có nhiều hơn sự trải nghiệm, và không có bài học nào giá trị bằng bài học được tự bản thân trẻ trải nghiệm, học hỏi và sáng tạo.