Theo các chuyên gia y tế, vào mùa Đông số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý về đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Vì vậy chủ động phòng tránh có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ sức khỏe, nhất là người già, trẻ em và người có các bệnh mãn tính về đường hô hấp.
Có nhiều cách để tăng sức đề kháng cho trẻ trong đó chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng là hai phương pháp cơ bản. Nói về chế độ dinh dưỡng thì vào bất kỳ thời điểm nào cũng quan trọng nhưng mùa đông nhu cầu năng lượng sẽ cần nhiều hơn vì phải thêm năng dưỡng chất để giữ ấm cho cơ thể.
Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể như chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo; bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, mỗi bữa cần có đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể.
Bên cạnh đó, giữ ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh. Bởi vì hệ hô hấp rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi nhiệt độ thấp (lạnh) kèm với độ ẩm cao (do mưa gió) cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm đường hô hấp trên; viêm phế quản phổi.
Khi nhiễm lạnh, những người có bệnh mãn tính sẽ dễ bùng phát các bệnh như hen phế quản (bùng phát cơn hen), ứ dịch gây khó thở ở những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; thở khò khè, khạc đờm do đợt cấp ở những bệnh nhân viêm phế quản mãn tính…
Mọi người giữ ấm cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể; mặc ấm, nhất là giữ ấm phần ngực, cổ; ăn uống thức ăn nóng ấm, tốt nhất là uống trà gừng nóng có thêm ít đường phèn. Nếu không cần thiết thì không nên ra bên ngoài khi trời quá lạnh hay mưa. Nhưng nếu vì một lý do nào phải làm việc ngoài trời hay ra ngoài khi trời mưa thì phải đội mũ che kín tai để tránh nước vào tai gây viêm nhiễm (viêm tai giữa), viêm họng, viêm xoang…
Đối với trẻ em, các bác sỹ khuyến cáo, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc đủ ấm cho trẻ vì nếu mặc quá nhiều áo, trẻ bị toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao.
Vào mùa đông, nhu cầu năng lượng của trẻ sẽ cao hơn nhiều vì một phần năng lượng bị tiêu hao để giữ ấm cho cơ thể, trong thời gian này, bố mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt tăng cường ngũ cốc giúp cung cấp năng lượng lâu dài, các loại đạm từ thịt, cá, trứng, sữa…các loại chất béo từ dầu thực vật giúp trẻ không bị đói và mất sức.
Vitamin E và C có rất nhiều trong các loại rau xanh (đặc biệt là rau có màu xanh đậm như cải bó xôi, xúp lơ xanh, cải xoong…), trái cây và dầu như dầu oliu, dầu ngô, dầu lạc, dầu vừng... Ngoài ra, sữa tươi, trứng và dầu gan cá cũng là những loại thực phẩm đáng lưu ý chứa nhiều vitamin E mà các mẹ nên bổ sung cho trẻ khi mùa Đông đến.
Đây là loại vitamin rất cần thiết để tăng sức đề kháng của trẻ với sự thay đổi của thời tiết. Vitamin B2 có rất nhiều trong các sản phẩm từ sữa (pho mát, sữa chua, phô mai...). Nếu bé không thích sữa và các sản phẩm từ sữa, bố mẹ có thể thay thế bằng các loại thức ăn quen thuộc khác như: thịt gà, thịt vịt, trứng, gan, tim, các loại đậu, mè, các loại hạt ngũ cốc và trái cây tươi…
Thời tiết những ngày này (cho đến đầu tuần tới) không những lạnh mà còn có độ ẩm không khí rất cao, các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho trẻ.
Ngoài trẻ em thì người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết thay đổi. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm với bệnh cảnh tiến triển nặng rất dễ dẫn đến viêm phổi; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp…cũng tiến triển nặng, đặc biệt tăng huyết áp dễ gây đột quỵ.
Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường, chú ý uống đủ nước, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi.
Các cụ cao tuổi phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch…
Đồng thời, người cao tuổi vẫn nên duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết giữ gìn sức khỏe; duy trì chế độ ăn uống điều độ, bảo đảm giữ ấm khi thời tiết giá lạnh; tránh đi bộ ngoài trời mùa mưa, mùa đông vì rất dễ bị cảm lạnh.
Thanh Phong