Khó khăn dịch Covid-19, xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 3,5%

Xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm 2020 vẫn có sự tăng trưởng khả quan về khối lượng mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho nhiều thị trường giảm tiêu thụ.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tại Việt Nam, chè là cây công nghiệp lâu năm được phát triển từ rất sớm, các hộ nông dân (nhà sản xuất nhỏ) chịu trách nhiệm cho 60% sản lượng chè trong nước và xuất khẩu thế giới. Mặc dù đóng góp quan trọng cho phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, ngành chè vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tác động của thời tiết bất lợi, tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất nhỏ, thiếu minh bạch và bền vững trong chuỗi giá trị chè.

Ngành chè Việt Nam chịu tác động kép từ sự bùng phát mạnh trên toàn cầu của dịch Covid-19 dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ chè ở nhiều quốc gia, các nhà xuất khẩu đặt giá thầu thấp trong bối cảnh đơn hàng giảm từ các nhà nhập khẩu ở EU.

Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, khối lượng xuất khẩu chè tháng 8 năm 2020 ước đạt 13.000 tấn với giá trị đạt 21 triệu USD. Theo đó, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm 2020 đạt 84.000 tấn và 134 triệu USD, tăng 3,5% về khối lượng nhưng giảm 6,2% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, xuất khẩu chè sang nhiều thị trường giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đại dịch đã ảnh hưởng mạnh đến nhập khẩu chè của Trung Quốc, làm suy giảm đáng kể cả về khối lượng và giá trị.

Xuất khẩu chè 8 tháng năm 2020 vẫn tăng 3,5% dù nhiều thị trường giảm tiêu thụ 
Xuất khẩu chè 8 tháng năm 2020 vẫn tăng 3,5% dù nhiều thị trường giảm tiêu thụ 

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 17.000 tấn chè, với giá trị đạt 71,6 triệu USD, giảm 7,3% về khối lượng và giảm 20,8% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Trong đó, xuất khẩu chè trong nửa đầu năm 2020 từ Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm khoảng 13,2% về khối lượng và 54,2% về giá trị so với nửa đầu năm 2019.

Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong 8 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu chè của Mỹ đạt 69.700 tấn, trị giá 285,2 triệu USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với cùng kì năm 2019. Theo đó, Mỹ giảm mạnh nhập khẩu chè từ các thị trường cung cấp chính như: Argentina và Trung Quốc. Tổng lượng chè nhập khẩu từ hai thị trường này chiếm 47,7% tổng lượng chè nhập khẩu, giảm 4,1 điểm phần trăm so với cùng kì năm 2019.

Cũng theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, tại thị trường trong nước, giá chè nguyên liệu trong tháng 8/2020 không có biến động. Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng giữ giá ở mức 190.000 đồng/kg, chè xanh búp khô 90.000 đồng/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) 120.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, sản lượng chè đen toàn cầu nửa đầu năm 2020 giảm 8,23% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương giảm gần 75 nghìn tấn). Trong đó, sản lượng chè đen tại hầu hết các thị trường sản xuất chính đều giảm, trừ Kenya. Thời tiết bất lợi, giãn cách xã hội và phong tỏa được áp đặt tại nhiều quốc gia do dịch Covid-19 khiến sản lượng chè đen toàn cầu giảm.

Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng chè đen tại Ấn Độ đạt 348,26 nghìn tấn, giảm 26,37% so với cùng kỳ năm 2019; Sri Lanka đạt 128,64 nghìn tấn, giảm 18,52%; Bangladesh đạt 21,81 nghìn tấn, giảm 21,97%; Malawi đạt 31,17 nghìn tấn, giảm 10,17%. Trong khi sản lượng chè đen của Kenya đạt 301,61 nghìn tấn, tăng 41,86% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù thị trường chè chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 nhưng cũng vấp phải một số khó khăn căn bản như: nguyên liệu chè phục vụ cho chế biến chủ yếu từ các giống chất lượng thấp; sản phẩm chè hàng hóa phần lớn ở dạng nguyên liệu thô, nghèo nàn về chủng loại, chất lượng, mẫu mã chưa hấp dẫn, sức cạnh tranh thấp. Những khó khăn đó đồng thời đòi hỏi sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất cũng như chất lượng mẫu mã sản phẩm chè của các đơn vị kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp chè nói riêng để nâng cao sức cạnh tranh.

Với mục tiêu đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chú trọng thực hiện các hoạt động liên kết, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm chè của Hà Nội ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Được biết, thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm liên kết với Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư phát triển chè và cây NLN Phú Hộ, Hiệp hội chè Việt Nam, Hiệp hội chè Hà Nội để tư vấn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè.

Hàng năm, các đơn vị cũng đã tổ chức các hội nghị hợp tác 4 nhà, hội thảo khoa học, hội nghị tổng kết để tranh thủ tư vấn các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nông dân trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè an toàn. Hình thành 04 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ chè trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì. Tỷ lệ chè đã thực hiện liên kết theo chuỗi đạt 9,2% sản lượng chè được sản xuất.

Bên cạnh đó, cùng HTX nâng cao chất lượng chè, thiết kế bao bì đóng gói để quảng bá sản phẩm chè Hà Nội thông qua 9 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xây dựng 01 nhãn hiệu tập thể “chè Long Phú” cho HTX Long Phú - Hòa Thạch - Quốc Oai và duy trì, phát triển 01 nhãn hiệu chè cho xã Bắc Sơn - Sóc Sơn. Kết quả khi sản phẩm có nhãn hiệu giá trị sản phẩm được tăng lên 1,2 đến 1,3 lần so với trước.

Một số vùng sản xuất và diện tích, sản lượng chè chất lượng cao, chè đặc sản trên địa bàn thành phố, hiệu quả sản xuất chè sơ bộ trên 1 ha. Điển hình, cơ sở Bắc Sơn - Sóc Sơn có 500 ha, sản lượng 3000 tấn; Ba Trại - Ba Vì có 470 ha, sản lượng 3760 tấn; Cẩm Lĩnh - Ba Vì có 60 ha, sản lượng 360 tấn; Minh Quang - Ba Vì có 50 ha, sản lượng 250 tấn; Hòa Thạch, Long Phú - Quốc Oai có 50 ha, sản lượng 280 tấn.