Thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP. HCM: Mối nguy từ chỉ số AQI
Ô nhiễm không khí không chỉ là một vấn đề cấp bách tại Việt Nam mà còn là mối đe dọa đối với toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, và khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại TP. Hà Nội và TP. HCM, với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng phương tiện giao thông và hoạt động công nghiệp, cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đặc biệt, chỉ số AQI tại Hà Nội trong nhiều năm qua luôn vượt qua ngưỡng cảnh báo, khiến chất lượng không khí giảm sút nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội và TP.HCM (2019 - 3/2025)
Dữ liệu từ biểu đồ cho thấy, trong suốt giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 3 năm 2025, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM thường xuyên vượt ngưỡng an toàn theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (dưới 100). Đặc biệt, vào các thời điểm mùa đông và giao mùa - khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra mạnh - chỉ số AQI tăng cao, khiến không khí trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Hà Nội nổi bật với nhiều mốc thời gian ghi nhận mức AQI tiệm cận hoặc vượt ngưỡng 150 - mức được đánh giá là nguy hại cho sức khỏe, nhất là đối với nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người cao tuổi và người mắc bệnh nền. Trong khi đó, TP. HCM có mức AQI ổn định hơn, song vẫn không nằm ngoài tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt trong mùa khô khi bụi mịn tích tụ. Sự chênh lệch giữa hai thành phố phần nào phản ánh khác biệt về điều kiện địa lý, thời tiết và đặc thù hoạt động đô thị. Tuy nhiên, điểm chung là cả hai đều đang đối mặt với thách thức lớn từ ô nhiễm không khí kéo dài và lan rộng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội.
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng chung đến cộng đồng mà còn tác động đặc biệt đến những nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi và người lao động trong môi trường công nghiệp. Trẻ em, đặc biệt là dưới 5 tuổi, có hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện, dễ mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản, và các vấn đề về phổi khi tiếp xúc lâu dài với mức AQI cao. Người cao tuổi, thường gặp vấn đề tim mạch và hô hấp, có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và COPD, đặc biệt là khi sống trong môi trường ô nhiễm. Nhóm công nhân làm việc trong các khu công nghiệp hoặc các ngành sử dụng máy móc phát thải khí bụi cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, tim mạch, và ung thư phổi khi làm việc trong môi trường có AQI cao.
Ô nhiễm không khí và những mối đe dọa lâu dài cho thế hệ tương lai
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng đóng góp gần 60% tổng lượng khí thải gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy và xe ô tô cũ, phát thải một lượng lớn khí độc hại như NOx, CO2 và PM2.5 vào không khí, làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cũng thải ra một lượng lớn khí thải độc hại, góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Các nghiên cứu trong nước cũng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân Việt Nam. Một nghiên cứu từ Viện Môi trường và Tài nguyên cho thấy, chỉ tính riêng tại Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 3-4 năm, đặc biệt là đối với những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề như các quận nội thành. Sự gia tăng bệnh tật như các bệnh lý hô hấp, tim mạch cũng là một hệ quả rõ rệt của tình trạng ô nhiễm.
Tại Hà Nội, nghiên cứu cho thấy vào những tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 12), khi nhiệt độ giảm, mức độ ô nhiễm do khí thải từ phương tiện giao thông và các hoạt động đốt than tăng mạnh, làm mức AQI có thể vượt qua 200, thậm chí 300. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người mắc bệnh tim mạch và hô hấp. Tại TP. HCM, sự gia tăng phương tiện giao thông và các hoạt động công nghiệp cũng làm tăng mức độ ô nhiễm không khí. Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em và thanh thiếu niên sống gần các khu vực giao thông cao có tỉ lệ mắc bệnh hô hấp cao hơn gấp đôi so với những khu vực ít ô nhiễm.
Giải pháp từ chính phủ và cộng đồng: Cùng nhau giảm thiểu ô nhiễm không khí
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số chính sách và giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, bao gồm việc cải thiện giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo và trồng cây xanh. TP. HCM đã triển khai dự án "Cộng đồng xanh", với mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trong vòng 5 năm để cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp này tại các thành phố lớn gặp phải một số khó khăn. Một trong những thách thức lớn là việc thiếu sự đồng thuận từ một số nhóm lợi ích, đặc biệt là trong ngành công nghiệp và vận tải, nơi các biện pháp bảo vệ môi trường có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế.
Các tổ chức phi chính phủ như Greenpeace và WWF đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhận thức và hành động cộng đồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Greenpeace triển khai chiến dịch toàn cầu mang tên #CleanAirNow, kêu gọi chấm dứt việc bán các loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel mới, đồng thời loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than – vốn là những nguồn thải lớn gây ô nhiễm không khí. Thông qua các hoạt động vận động chính sách và truyền thông, chiến dịch này đã góp phần làm tăng áp lực xã hội nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, WWF-Việt Nam cũng thực hiện nhiều sáng kiến ý nghĩa như “Ngân hàng Thời gian” trong khuôn khổ chiến dịch Giờ Trái Đất. Sáng kiến này kêu gọi mỗi người dân đóng góp thời gian thực hiện các hành động xanh – từ việc sử dụng năng lượng hiệu quả, trồng cây xanh, đến thay đổi thói quen tiêu dùng – để cùng chung tay giảm phát thải khí nhà kính. Những chiến dịch như vậy không chỉ góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, mà còn thúc đẩy hành vi bền vững, hướng tới một môi trường sống trong lành và an toàn hơn cho các thế hệ tương lai.
Vai trò quan trọng của báo chí trong việc nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí
Báo chí đã đóng góp rất lớn vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí. Các báo mạng hiện nay đã cung cấp nhiều bài viết không chỉ về thông tin thời sự mà còn về phân tích dữ liệu, giải pháp và tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe và môi trường. Đặc biệt, các bài viết của các chuyên gia về môi trường và y tế đã giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này. Ví dụ, chiến dịch truyền thông của các cơ quan báo chí về tác động của ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã giúp đẩy mạnh các chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang, chuyên gia môi trường tại Đại học Bách Khoa Hà Nội: "Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề của riêng chính phủ mà là trách nhiệm của cả cộng đồng và các phương tiện truyền thông. Báo chí có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các chính sách bảo vệ môi trường, từ đó giúp cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng". Báo chí cũng là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng và các cơ quan chức năng. Các bài viết, chương trình truyền hình, và các chiến dịch truyền thông đã giúp đưa vấn đề ô nhiễm không khí ra ánh sáng, thúc đẩy các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cùng hành động.
Kêu gọi hành động: Cùng nhau bảo vệ không khí và sức khỏe cộng đồng
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chủ yếu đến từ bụi mịn, khí thải phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, trong khi việc kiểm soát còn thiếu đồng bộ. Trước thực trạng này, Chính phủ yêu cầu các địa phương triển khai kế hoạch hành động cụ thể trong 5 năm, hướng tới đưa chỉ số chất lượng không khí (AQI) về ngưỡng an toàn. Giải pháp bao gồm kiểm kê nguồn thải, giảm phát thải theo ngành, thu hồi phương tiện cũ nát, chuyển đổi xanh giao thông công cộng và siết chặt tiêu chuẩn khí thải.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư hệ thống quan trắc, kiểm soát ô nhiễm tại các cụm công nghiệp và làng nghề, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp. Chính phủ cũng giao các bộ ngành nghiên cứu giải pháp công nghệ thân thiện như tái chế rơm rạ, xử lý chất thải xây dựng, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường theo hướng nghiêm khắc. Trong khi đó, cộng đồng và doanh nghiệp cần hành động cụ thể: sử dụng phương tiện thân thiện môi trường, đầu tư công nghệ xanh, hạn chế khí thải và tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường không khí.
Chỉ với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cùng sự đồng hành của truyền thông và các tổ chức xã hội, mới có thể tạo ra chuyển biến thực sự trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng tới một nền phát triển bền vững.
Lê Thị Thảo