Kịch bản nào cho thị trường gạo những tháng cuối năm?

Dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành sản xuất gạo của Việt Nam dự kiến vẫn sẽ thuận lợi nhờ vào nhu cầu thị trường vẫn duy trì ở mức cao.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu  gạo của Việt Nam trong quý II đạt gần 2,4 triệu tấn, trị giá 1,46 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và 2,4% về trị giá so với quý I, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm nhẹ 0,6% về lượng nhưng tăng tới 14,7% về trị giá.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 4,55 triệu tấn, với trị giá thu về gần 2,9 tỷ USD, tăng 7,4% về lượng, tăng 28,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Kịch bản nào cho thị trường gạo những tháng cuối năm? - Ảnh 1

Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong quý II đạt 618 USD/tấn, giảm 5,6% so với quý I nhưng tăng 15,4% so với quý II năm 2023. Nếu so với giá đỉnh đạt được vào tháng 1 năm nay thì giá gạo giao dịch của Việt Nam trên thị trường thế giới những tháng gần đây có giảm nhưng mặt bằng chung vẫn cao hơn các năm.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của nước ta đạt bình quân 635 USD/tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, giá lúa  gạo ở khu vực ĐBSCL cũng giảm từ 5 – 10% vào quý II. Như vậy, tính đến cuối tháng 6 đầu tháng 7, giá lúa gạo nội địa đã giảm khoảng 15 – 25% so với đầu năm, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giá lúa vẫn đang cao hơn từ 5 – 8% và giá gạo là 13 – 15%.

Các doanh nghiệp đều dự báo, xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc vào cuối năm nay khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam. Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc vẫn là những thị trường tiêu thụ chính của gạo Việt Nam. Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bộ Công Thương nhận định, thời gian tới, nếu Ấn Độ bãi bỏ, nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo thì giá gạo trên thế giới điều chỉnh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhu cầu về gạo của các nước trên thế giới hiện nay vẫn ở mức cao và các doanh nghiệp vẫn có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.

Còn theo kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thì nếu Ấn Độ thay đổi chính sách xuất khẩu gạo của họ cũng sẽ diễn ra từng bước, tránh gây tác động tiêu cực cho thị trường chung. Hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp dự kiến sẽ vẫn thuận lợi do chủng loại và phân khúc thị trường tiêu thụ của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ. Điều quan trọng các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng đảm bảo chất lượng gạo, duy trì phong độ xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, mặc dù giá có xu hướng giảm, xuất khẩu gạo năm nay vẫn được đánh giá khá tốt, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều hưởng lợi, đã có sự phân hóa dựa trên đặc thù ngành, năng lực và hiệu quả vận hành của từng doanh nghiệp.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã thu hoạch được gần 400.000 ha lúa Hè Thu, với năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới đang tăng lên, khiến nhiều doanh nghiệp dự báo, xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc vào cuối năm nay.

Dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, và có thể thu về hơn 5 tỷ USD. Thị trường chủ lực mua gạo Việt trong những tháng cuối năm vẫn là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore...

Để tận dụng cơ hội và duy trì sản lượng xuất khẩu trong năm 2024. Xuất khẩu Việt Nam không chỉ đưa ra những chính sách, biện pháp giải quyết, thích ứng những vấn đề trước mắt mà còn phải hướng tới phát triển lâu dài, phát triển bền vững.  

Cụ thể trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn với kỳ vọng đạt giá trị 5 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ đã đề ra và phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 583/QĐ-TTg, ngày 26/5/2023. Thúc đẩy Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp. Tận dụng cơ hội thị trường nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn. 

Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Đồng thời triển khai Chỉ thị số 03/CT-BCT, ngày 25/3/2024 của Bộ Công Thương về đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo các yêu cầu chính như sản lượng tiêu thụ, giá, duy trì mức dự trữ tối thiểu,… Qua đó bảo đảm việc xuất khẩu có hiệu quả. Nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường lương thực thế giới.